Ngày 30-1, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) đã khai mạc tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với việc ghi nhận nhiều thành quả kinh tế - xã hội tại châu lục này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Phi Nkosazana Dlamini-Zuma hoan nghênh tiến bộ đã đạt được trong các lĩnh vực, từ việc tự do đi lại đến phát triển đường sắt và chấm dứt tình trạng tảo hôn.
Bà Zuma cũng hoan nghênh các nước tăng trưởng kinh tế nhanh chất châu lục như Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cote d'Ivoire, Mozambique, Tanzania và Rwanda, và cũng nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Bên cạnh đó, bà cũng kêu gọi 13 nước châu Phi đưa ra cam kết đi đầu trong việc khởi động thị trường hàng không châu Phi đơn nhất trong năm 2017.
Bà cho biết các nước như Rwanda, Ethiopia, Kenya và Nam Phi đã bắt đầu mở cửa bầu trời của mình cho các nước khác trong châu lục, và kêu gọi các nước khác tham gia.
Ngoài ra, bà Zuma cũng ca ngợi các tiến bộ đạt được về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tăng sự đại diện của họ trong các lĩnh vực công, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em...
Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Ủy ban châu Phi đã đưa ra phản ứng đối với sắc lệnh mà tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành, theo đó cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân từ 7 quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo, trong đó có 3 nước châu Phi, gồm Libya, Somalia và Sudan. Bà cho rằng động thái này báo hiệu "thời kỳ rất bất ổn" trên toàn cầu.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Cộng hòa Chad, Moussa Faki đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban châu Phi nhiệm kỳ tới.
Ông Faki nằm trong số 6 ứng cử viên cho vị trí này, đến từ Kenya, Senegal, Chad, Botswana và Guinea xích đạo.
Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Phi tiếp tục bất đồng xung quanh đề nghị của của Maroc xin tái gia nhập liên minh, 33 năm sau khi nước này rút khỏi AU nhằm phản đối quyết định của khối về việc kết nạp Tây Sahara làm thành viên.
Theo TTXVN