Thời sự - Bình luận

Hữu danh vô thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cứ đến mùa trung thu là có nơi làm cặp bánh trung thu thật "khủng" và được tổ chức công nhận kỷ lục nào đó xưng tôn "to nhất Việt Nam".


Dịp Giỗ Tổ thì nhiều nơi làm bánh chưng, bánh giầy "to nhất Việt Nam". Để tăng độ hoành tráng, ban tổ chức bố trí hàng chục người khiêng, đưa đến một nơi nào đó để dâng cúng, rồi chia nhau ăn.

Năm nay lại thế, "Cặp bánh trung thu kỷ lục Việt Nam" nặng 150 kg, dày 20 cm, đường kính 95 cm vừa được khuân đến Quảng trường tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) để trình làng.


 

"Cặp bánh trung thu kỷ lục Việt Nam" nặng 150 kg, dày 20 cm Ảnh: TTXVN



Người ta thường nhân danh các giá trị văn hóa, uống nước nhớ nguồn... để làm cớ cho ra đời kỷ lục. Như trường hợp cặp bánh trung thu to nhất năm nay ở Hà Nội, ban tổ chức nêu thông điệp là "yêu thương, gắn kết gia đình". Mà nhìn vào cặp bánh và cách thức tổ chức sự kiện, cố gắng suy tưởng đến mấy cũng không nhận thấy được thông điệp mà nhà tổ chức gán ghép.

Thay vào đó, người ta lờ mờ nhận ra mục đích núp bóng kỷ lục, đó có phải là một chiêu "PR" cho các nhãn hàng bánh trung thu hay không? Ít nhất là nhằm nhắc nhở, đánh thức người tiêu dùng khi dịp lễ này sắp vào "chính vụ"!

Nhưng đáng nói hơn cả là cái thói háo danh, căn bệnh khoe khoang, trọng hình thức. Đây là một dạng khoái cảm, đánh trúng tâm lý số đông, vì thế nó có "đất" để tồn tại. Thiên hạ thích to thì ta làm cho to, muốn hoành tráng cỡ nào thì làm hoành tráng cỡ ấy. Để tô điểm cho kỷ lục, người ta dùng "chiếc áo văn hóa" để khoác lên, khiên cưỡng và tạm bợ, để rồi sau đó chẳng đọng lại gì cả.

Ví như chuyện chiếc bánh chưng "khủng". Tôi từng có mặt tại buổi ra mắt chiếc bánh ấy ở một địa chỉ văn hóa - giải trí ở TP HCM. Sau màn hò reo là cắt bánh chia phần. Một hồi sau thì đám đông tản đi hết, để lại phần bánh to đùng dang dở trông nham nhở làm sao! Nên nhớ là trước đó bánh được dâng cúng uy nghiêm lắm. Và chẳng biết người ta xử lý phần thừa này thế nào, chắc chắn ăn không hết là bỏ đi rồi, lãng phí lắm.

Vậy thì kỷ lục để mà chi? Người trần đâu đói ăn tới mức cần tới cái bánh "khủng" như vậy. Còn nếu bảo làm to để dành phần cho tổ tiên cũng không đúng. Ông bà ta ăn uống khiêm nhường, luôn dạy con cháu phải biết tiết kiệm, có đâu phô trương như thế.

Tôi còn nhớ 7 năm trước, vào ngày kỷ niệm 37 năm ngày Giải phóng TP Đà Nẵng, tại một trung tâm thương mại ở thành phố này tổ chức nấu tô mì Quảng "khủng" và ngay lúc đó được xác lập là "Tô mì Quảng kỷ lục Việt Nam", 50 ký mì cùng nhưn, rau, bánh tráng... được chứa trong một cái tô đúc bằng gang đường kính 1 m, chiều cao 0,5 m. Trước đó, đã có tô cháo lớn nhất, cái bánh xèo to nhất... được công nhận kỷ lục. Và nhìn chung, những món kỷ lục này đều dở. Nhìn cách nấu đã thấy phản cảm khi 5-7 người dùng xẻng, mái chèo chọc vào nồi, vào tô để xới, trộn, đảo. Nấu đại trà không thể ngon được. Bản thân mì Quảng đã là thương hiệu, ai đó viện cớ làm tô mì "khủng" này để quảng bá mì Quảng là vớ vẩn!

Tất cả rồi bị lãng quên, rất nhanh. Ngành quản lý văn hóa lẽ nào cổ xúy cho những hoạt động hữu danh vô thực kiểu đó?

A.Q (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm