Tin tức

Khả năng Tổng thống Trump bị phế truất: Tu chính án số 25 là gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau vụ người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ, một số thành viên nội các và nghị sĩ đang mở cuộc thảo luận sơ bộ về khả năng kích hoạt Tu chính án số 25 để phế truất Tổng thống Donald Trump.

Phó tổng thống Mike Pence đang đối mặt với lời kêu gọi viện dẫn Tu chính án số 25 - Ảnh: AFP/Getty
Phó tổng thống Mike Pence đang đối mặt với lời kêu gọi viện dẫn Tu chính án số 25 - Ảnh: AFP/Getty


Cuộc thảo luận về khả năng kích hoạt Tu chính án số 25 để phế truất ông Trump khỏi vai trò tổng thống Mỹ đang được đề cập tại nội các, và nội dung của cuộc thảo luận này đã lan đến Đồi Capitol, theo báo The USA Today.

Vậy Tu chính án số 25 là gì?

Tu chính án số 25 được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1965 và chính thức được phê chuẩn vào năm 1967. Đây là cơ chế hợp pháp nhằm phế truất người đứng đầu chính phủ trong trường hợp tổng thống không đủ năng lực lãnh đạo đất nước hoặc qua đời khi tại chức. Tu chính án này cũng đã chính thức hóa quy trình cho phép phó tổng thống tiếp quản vai trò của tổng thống khi đương kim chủ nhân Nhà Trắng qua đời hoặc từ chức.

Vấn đề về người kế nhiệm đã được đề cập sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963. Khi người phó của Tổng thống Kennedy là Lyndon B. Johnson tiếp quản vai trò lãnh đạo nước Mỹ, một lần nữa nước này tạm thời trống ghế phó tổng thống. Trước đó, ông Johnson đã trải qua cơn đau tim và 2 nhân vật kế nhiệm tiếp theo khi ấy lần lượt là chủ tịch hạ viện (71 tuổi) và chủ tịch thượng viện tạm quyền (86 tuổi).

Tu chính án số 25 đã được kích hoạt trước đây?

Nhờ vào hai điều khoản đầu tiên của tu chính án, ông Gerald Ford trở thành phó tổng thống của ông Richard Nixon, và sau đó đảm nhiệm vai trò tổng thống sau khi ông Nixon từ chức.

Điều khoản thứ ba, vốn cho phép tổng thống tạm thời nhượng quyền cho phó tổng thống, đã được sử dụng sau khi Tổng thống Ronald Reagan phải phẫu thuật vào năm 1985, và sau đó tương tự là Tổng thống George W. Bush lần lượt vào năm 2002 và 2007.

Trong khi đó, điều khoản thứ tư, tức quy trình phế truất tổng thống vì lý do “không còn đủ năng lực lãnh đạo nước Mỹ”, chưa từng được sử dụng trước đây.

Trường hợp của Tổng thống Trump?

Tu chính án số 25 một lần nữa thu hút sự chú ý trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, và mới nhất là sau khi đám đông biểu tình xông vào Đồi Capitol trong lúc các nghị sĩ đang tổ chức tranh luận về việc xác nhận phiếu đại cử tri của cuộc bầu cử ngày 3.11.2020.

Các thành viên của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, trong một tuyên bố đưa ra đêm 6.1, kêu gọi kích hoạt tu chính án này.

“Cả trong đoạn tuyên bố video chiều nay, Tổng thống Trump cho thấy ông không đủ minh mẫn và vẫn chưa thể tiếp nhận và chấp nhận kết quả kỳ bầu cử năm 2020. Việc Tổng thống Trump sẵn sàng kích động bạo lực và bất ổn xã hội để đảo ngược kết quả bầu cử bằng bạo lực rõ ràng chứng tỏ điều này", tuyên bố viết.

Theo những nhà quan sát, Phó tổng thống Mike Pence và đa số nội các có thể tuyên bố tổng thống không thể “hoàn thành vai trò trên cương vị lãnh đạo nước Mỹ". Nếu Tổng thống Trump kháng cự quyết định này, hạ viện và thượng viện có thể tổ chức bỏ phiếu, và cần 2/3 số phiếu ủng hộ tại lưỡng viện để phế truất tổng thống, đưa phó tổng thống lên thay.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ cũng có thể hành động bằng cách chỉ định một nhóm phối hợp với phó tổng thống để đưa ra tuyên bố và triển khai quy trình tương tự.

 

Theo THỤY MIÊN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm