Thời sự - Bình luận

Khai báo y tế tự nguyện chính là yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khai báo y tế tự nguyện dù là một hành động nhỏ, không tốn nhiều thời gian nhưng lại là nguồn thông tin vô cùng quý báu để chính quyền đưa ra những quyết định và hành động kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội, không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

 

Tải ứng dụng khai y tế tự nguyện


Bạn đang lo lắng cho sức khoẻ bản thân và gia đình?

Bạn không biết nơi bạn đang sống có gần nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không?


Bạn chưa tiếp cận được những tư vấn cần thiết trong phòng, chống dịch COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra?

Đó là các câu hỏi thường trực trong đa số người dân lúc này. Nhưng để trả lời đầy đủ, bạn phải có trách nhiệm thông báo và khai báo với chính quyền, cơ quan chức năng về thông tin cá nhân, tình trạng sức khoẻ và khả năng tiếp xúc với nguồn lây bệnh.

Bởi, nếu không có những thông tin cụ thể đó thì việc ngăn chặn dịch COVID-19 sẽ càng trở nên phức tạp, khó khăn, tốn kém.

Báo chí Italia cho đến giờ này vẫn tranh cãi nhau chuyện bệnh nhân đầu tiên không được kiểm tra, cũng không bị cách ly. Kết quả là cho đến hôm 9.3, Italia phải ban bố tình trạng phong toả toàn quốc khi số người chết vì virus SARS-CoV-2 đã gần chạm ngưỡng 500.

Ở Pháp, báo chí nước này dẫn câu chuyện khác: một anh chàng ở Lyon tên Raphael vì tiếc cặp vé máy bay “không hủy, không đổi” nên cùng bạn gái sang Italia chơi. Sau một ngày, nghe tin Italia sắp phong toả, vội vã mua vé máy bay sớm nhất sáng 8.3 về Pháp.

Về đến Orly, không ai hỏi, không ai kiểm tra, anh chàng tự bắt tàu cao tốc về Lyon. Sốc và áy náy quá, anh báo công ty xin nghỉ 14 ngày tự cách ly. Thế nhưng, người bạn gái của anh vẫn đi làm…

Trong khi đó, tờ Nhật Bản ngày nay kể câu chuyện gây sốc: một người ở tỉnh Aichi chủ động đến bệnh viện kiểm tra SARS-CoV-2 và được xác định là dương tính. Bác sĩ hướng dẫn về nhà chờ một ngày để bệnh viện tìm cơ sở y tế chữa trị.

Vậy mà không hiểu người này nghĩ thế nào mà quyết định đến quán bar để chơi, thậm chí còn khoe mình dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhân viên quán bar đã quyết định gọi cho cảnh sát và quán bar đã bị phong tỏa…

Còn tại Việt Nam, tất cả các hành khách trên chuyến bay 0054 đã không ai khai báo về tình trạng sức khoẻ của mình. Đặc biệt là bệnh nhân thứ 17, bây giờ đã được “định danh” là N17 đã từ Anh sang Italia rồi trở lại Anh trước khi về Việt Nam mà không hề khai báo với cơ quan chức năng về lịch sử đi lại và tình trạng sức khoẻ. Cho đến khi cô này đến cơ sở khám chữa bệnh thì phát hiện dương tính và được cho là nguồn lây bệnh.

Nhưng cũng cần đặt câu hỏi rằng phải chăng một vài hành khách nước ngoài cũng là nguồn lây bởi chẳng ai hỏi và cũng không ai khai trong 2 tuần vừa rồi họ ở những đâu, đi chỗ nào…

Những câu chuyện trên chỉ là những ví dụ về việc đôi khi những nỗ lực lớn nhất của cả một hệ thống bị ảnh hưởng, thậm chí bị phá huỷ bởi những sai lầm nhỏ, tưởng như vô tình của một hoặc vài con người.

Sẽ có những cơ hội bị bỏ qua, những khoảng thời gian vẫn hay được gọi là "thời gian vàng" trong chống dịch bị bỏ lỡ cũng như những quyết định thiếu kịp thời chỉ vì thiếu thông tin.

Khai báo y tế tự nguyện dù là một hành động nhỏ, không tốn nhiều thời gian nhưng lại là nguồn thông tin vô cùng quý báu để chính quyền có thông tin, từ đó có những quyết định và hành động kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội, không bỏ lỡ gian gian vàng trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.

Nói như GS Trần Đắc Phu, khai báo y tế tự nguyện vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người dân. Việc thông tin sớm, sẽ được chẩn đoán bệnh sớm, cách ly sớm và dịch bệnh sẽ không bùng phát.

Với mỗi người Việt Nam lúc này, khai báo y tế tự nguyện một cách trung thực chính là hành động yêu nước.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khai-bao-y-te-tu-nguyen-chinh-la-yeu-nuoc-789933.ldo

Theo Linh Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm