Toàn cảnh phiên họp |
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66, ông Nassir Abdulaziz Al-Nasser, nhà ngoại giao Qatar, nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với hàng loạt vấn đề đòi hỏi các nỗ lực hành động chung, tăng cường sự liêm chính và các quan hệ đối tác. Tuy nhiên, ông đồng thời khẳng định thế giới cũng đứng trước những cơ hội lớn để định hình những thay đổi và đảm bảo rằng một giai đoạn mới đang mở ra sẽ an toàn hơn đối với những người dễ bị tổn thương nhất, mang lại sự thịnh vượng hơn cho những người nghèo và tương lai tốt đẹp hơn cho Trái Đất.
Chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 gồm gần 170 đề mục bao trùm 7 vấn đề then chốt là các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, an ninh lương thực, vai trò hòa giải và các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, tái xây dựng và củng cố năng lực các nhà nước sau xung đột, giải trừ quân bị và cải tổ Liên hợp quốc.
Tân Chủ tịch Al-Nasser đã nêu 4 lĩnh vực trọng tâm của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66.
Một là giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp, nhiệm vụ cần thiết và khẩn cấp hơn bao giờ hết. Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cải tổ cần can dự lớn hơn và được trao quyền nhiều hơn trong các vấn đề hòa giải để có thể thực hiện đầy đủ vai trò của thể chế tạo lập hoà bình hàng đầu của thế giới trong khúc quanh quan trọng hiện nay của quan hệ quốc tế.
Hai là Đại hội đồng Liên hợp quốc cần được tiếp sức sống mới để có quyền hạn lớn hơn, hiệu quả cao hơn, đặc biệt trong phản ứng sớm với các cuộc khủng hoảng và thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau 6 thập kỷ tồn tại và phát triển.
Ba là cải thiện việc ngăn chặn và phản ứng trước thiên tai và các thảm họa do con người gây ra. Dân số thế giới đang đối mặt những nguy cơ lớn như mất an ninh lương thực, khủng hoảng về giáo dục và y tế. Để giải quyết các vấn đề sống còn này cần tăng cường hợp tác giữa các đối tác khác nhau.
Bốn là phát triển bền vững và thịnh vượng toàn cầu.
Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 nhấn mạnh ưu tiên đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đúng thời hạn vào năm 2015.
Theo TTXVN