Multimedia

Emagazine

E-magazine “Khát nước” bên công trình thủy nông - Kỳ cuối: Đừng để nước... “đi chơi”


Tháng 6-2021, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 429/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 485 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Cụ thể, đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi các hồ chứa nước: Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh), Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ), Ia Rtô (thị xã Ayun Pa), Plei Keo (huyện Chư Sê) và đầu tư xây dựng các hồ chứa nước: Cà Tung (huyện Đak Pơ), Đông Xuân (huyện Chư Pưh). Tuy nhiên, sau đó, do giá xăng dầu tăng đột biến kéo theo giá vật liệu, nhân công cũng tăng khiến tổng mức đầu tư của dự án vượt so với mức đã phê duyệt, buộc phải điều chỉnh.



Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy với hệ thống chính trị xã Chư Don (huyện Chư Pưh) vào đầu tháng 2-2023, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Cuối năm 2022, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã xin điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án này. Theo báo cáo của chủ đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên 737,4 tỷ đồng (tăng 52% so với tổng mức đầu tư ban đầu đã thông qua) do yếu tố trượt giá. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh điều chỉnh, trong đó đề xuất chưa đầu tư hồ Đông Xuân mà tập trung vốn đầu tư cho hồ Cà Tung và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi các hồ chứa.



Liên quan đến công trình thủy lợi Ia Mơr, ông Hoàng Bình Yên-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án thủy lợi Ia Mơr-cho hay: Để công trình phát huy hiệu quả hơn nữa, tỉnh đang lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư hạng mục còn lại nhằm phục vụ tưới cho khoảng 4.898 ha với điều kiện phải chuyển đổi 4.757 ha đất có rừng sang làm khu tưới. “Giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến kênh nhánh tiếp nối hệ thống kênh chính phục vụ tưới cho 2.279 ha đất nông nghiệp đang được người dân canh tác không vướng vào đất rừng. Nếu chuyển đổi thành công thì khu tưới Ia Mơr không khác gì cánh đồng Ayun Hạ hiện nay”-ông Yên khẳng định.



Ông Nguyễn Xuân Sang-Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Krông Pa (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai) cũng thông tin: “Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2026, công trình hồ chứa nước Ia Mlah sẽ được đầu tư thêm hệ thống kênh mương nội đồng với tổng chiều dài trên 20 km thuộc địa phận thị trấn Phú Túc và 4 xã: Phú Cần, Chư Ngọc, Chư Gu, Ia Mlah. Khi đó, diện tích khu tưới cũng sẽ tăng lên”.



Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Ngọc An, hiện nay, một số tuyến kênh đất tại công trình thủy lợi Auyn Hạ và Ia Mlah đang được đầu tư kiên cố từ Dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai (vốn vay ADB). Dự án do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 440 tỷ đồng. Sau khi dự án hoàn thành, diện tích đất canh tác được tưới tăng thêm khoảng 2.754 ha so với hiện nay (hiện tại, diện tích tưới của 2 công trình là 10.632 ha). Tỉnh cũng đã nâng cấp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương cho 13 công trình thủy lợi các loại; hiện đang tiếp tục nâng cấp 6 hồ chứa nhỏ tại các huyện Đak Pơ, Đức Cơ và thị xã An Khê từ nguồn vốn đầu tư chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.



Trong thời gian chờ đợi đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng cho các công trình thủy lợi, đơn vị quản lý và chính quyền các địa phương vùng dự án đã tích cực phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả vùng tưới hiện tại và khai thác tiềm năng du lịch của công trình. Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Krông Pa chia sẻ: “Hệ thống kênh mương thủy lợi trải dài trên địa hình chủ yếu là đồi dốc nên mỗi khi mưa lớn, nhiều đoạn đã bị đất bồi lấp. Đơn vị đã huy động lực lượng, kịp thời cùng với chính quyền địa phương và người dân ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy. Ngoài ra, thông thường đến ngày 10-5 hàng năm, chúng tôi cắt nước vụ Đông Xuân để tiến hành công tác bảo dưỡng, sửa chữa công trình nhằm chuẩn bị phục vụ tưới cho vụ mùa”.



Ông Nguyễn Đức Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun (huyện Chư Sê) nêu quyết tâm: “Bên cạnh tiếp tục hướng dẫn người dân về quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa nước 2 vụ trên những diện tích đảm bảo nước tưới, xã sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển”.



Cũng với mong muốn sớm được quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương để phát huy tối đa công năng của hồ thủy lợi Plei Thơ Ga, huyện Chư Pưh đang xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp-dịch vụ. Theo ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, dựa trên cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng, khu vực thuộc vùng tưới hồ chứa nước Plei Thơ Ga rất phù hợp để phát triển cây ăn quả và lúa nước 2 vụ. Do đó, thời gian tới, Phòng sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh chuyển đổi một số cây trồng không phù hợp sang cây ăn quả, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng. Cùng với đó, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình nông-lâm kết hợp như: trồng rừng xen cây ăn quả, trồng rừng xen cây dược liệu… nhằm tạo cảnh quan để phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân.



Ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-khẳng định: Hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển, nhất là các địa phương nằm trong vùng dự án. Diện tích mặt hồ khoảng 130 ha với dung tích khoảng 10 triệu m3 không những thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà còn là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, UBND huyện tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, nâng cấp hệ thống kênh mương để phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như ngành du lịch, dịch vụ tại vùng lòng hồ. Đồng thời, huyện triển khai trồng cây xanh xung quanh lòng hồ và trồng lại rừng; phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ; trồng cây ăn quả… nhằm tạo hệ sinh thái đa dạng phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng…



Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: “Để sớm phát huy hiệu quả công trình đã đầu tư, với vai trò là cơ quan chuyên môn về xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT, Sở sẽ đôn đốc chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương thực hiện Dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai đảm bảo đúng tiến độ theo chủ trương đầu tư được duyệt (hoàn thành năm 2026), sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương thuộc vùng hưởng lợi của các dự án nói trên triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng phù hợp, tổ chức sản xuất ngay khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Sở cũng sẽ ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng cũng như các vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị”.


Có thể bạn quan tâm