Multimedia

Emagazine

E-magazine Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ cuối: Cây cao su tròn "sứ mệnh" phát triển kinh tế xanh trên Tây Nguyên

Nếu bạn một lần đi qua nhiều vùng đất Bắc Tây Nguyên, từ Sa Thầy, Đak Tô rồi về biên giới Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông hay ghé Mang Yang, Chư Păh… ở đâu cũng sẽ bắt gặp một màu xanh bạt ngàn của cao su. Điều dễ nhận thấy nhất là ở đâu có rừng cao su thì ở đó có dân cư và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dù có những giai đoạn giá mủ cao su giảm thấp, những người thợ cạo vẫn bám vườn cây, bám nông trường, đội sản xuất và nhiều người dân trồng cao su tiểu điền vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cây. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được giá trị của cây cao su mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc như hôm nay.

Cây cao su cũng như một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều lúc giá tăng nhưng cũng rớt giá thảm hại. Việc này cũng đồng nghĩa với diện tích cao su tăng, giảm theo thời gian. Đối với cây cao su giai đoạn 2007-2010, giá mủ cao su tăng cao nhất đây cũng là lúc người dân ồ ạt trồng cao su tiểu điền. Ông Rơ Châm Nhel (làng Klũh Klăh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) là một trong những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng.

Làng Om, (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh) là một trong những địa phương trồng cao su tiểu điền lớn nhất xã. 15 năm về trước, anh Trưi bắt đầu trồng cao su tiểu điền, kể từ đó, gia đình anh coi cây cao su là cây mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình. “Nhờ cây cao su mà người dân trong làng, trong đó có gia đình tôi có cuộc sống ấm no. Vào thời điểm giá cao su xuống thấp, nhiều nơi chặt bỏ cao su để chuyển sang cây trồng khác mong có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn giữ nguyên diện tích cây cao su cho đến nay. Thời gian gần đây, giá mủ cao su tăng lên đã khẳng định niềm tin của chúng tôi về cây cao su”-anh Trưi thông tin.

Không chỉ người dân trồng cao su, những người làm công nhân cạo mủ cao su vẫn tin tưởng, bám vườn cây, bám đội sản xuất dù có thời điểm họ chênh vênh do cao su giảm giá. Chị Rơ Mah H’ Byên-công nhân Đội sản xuất số 7, Công ty TNHH Một thành viên 74, chị bắt đầu cạo mủ cao su từ năm 2009, hiện nay chị nhận cạo 3,5 ha và chăm sóc 10 ha cao su kiến thiết. Từ năm 2020 đến năm 2022, giá mủ cao su giảm thấp, nhiều người có ý định bỏ vườn cao su, rời quê hương vào các tỉnh miền Nam kiếm sống, nhưng chị vẫn bám trụ vườn cây của công ty, đồng cam, cộng khổ với đơn vị. Ngập ngừng một chút, H’ Byên tâm sự:

Theo thống kê, hiện nay, diện tích cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khoảng 251.314 ha, trong đó khoảng 139.115 ha đang trong giai đoạn khai thác mủ, còn lại diện tích đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và tái canh trồng mới. Riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai cây cao su hiện có khoảng 86.780 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Sê, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Kbang và TP. Pleiku. Trong đó, cao su đang trong giai đoạn kinh doanh khoảng 63.500 ha, năng suất bình quân khoảng 15,2 tạ/ha, sản lượng mủ khô khoảng 95.395 tấn/năm. Các công ty, doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang giải quyết việc làm cho gần 100 ngàn lao động, có thu nhập ổn định.

Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Prông chia sẻ: Chúng tôi rất mừng là vào những thời điểm, giá mủ cao su xuống thấp, nhưng các công nhân của đơn vị vẫn không bỏ vườn cây. Điều này khẳng định cây cao su đã có vị trí và thế đứng trong ngành nông-lâm nghiệp của tỉnh. Khi giá mủ cao su xuống thấp, để giữ chân công nhân, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, tập trung nâng cao đời sống cho người lao động. Thời gian gần đây, cao su đã tăng giá, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì các kế hoạch quản lý để đảm bảo nâng cao thu nhập cho người lao động.

Để có những vườn cao su xanh tốt, cho dòng nhựa trắng thì vai trò của những người công nhân có yếu tố quyết định, họ là những người dù trải qua những thăng trầm khi giá mủ cao su giảm sâu nhưng vẫn gắn bó với vườn cây, coi đó như tài sản của gia đình để chăm sóc.

Anh Trần Hữu Thắng-công nhân Nông trường Ia Ko, Công ty Cao su Chư Sê, cho biết: Cách đây 15 năm, anh khăn gói từ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào Tây Nguyên lập nghiệp và bén duyên với cây cao su. Trải qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, anh đã trở thành 1 thợ khai thác cao su giỏi, nhiều năm liền đạt bàn tay vàng của công ty.

Tây Nguyên là vùng chuyên canh cao su lớn thứ hai của cả nước sau vùng Đông Nam Bộ. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 86.780 ha cao su phân bố ở các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Mang Yang, Chư Sê…Dù là cao su của các doanh nghiệp hay cao su tiểu điền thì sự đóng góp của nó vào việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh là điều không thể phủ nhận. Cùng với đó, cao su được trồng đến đâu thì cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được xây dựng đến đó đã góp phần hình thành một diện mạo nông thôn mới trong các vùng chuyên canh cao su. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá mủ cao su giảm ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chính vì thế, tìm giải pháp để cây cao su phát triển bền vững luôn là việc làm được các địa phương, đơn vị và nhà hoạch định chính sách nghĩ tới.

Cũng theo ông Đoàn Ngọc Có, những năm gần đây, giá mủ cao su ở mức thấp, lợi nhuận trên một diện tích không cao nhất là những diện tích cao su trên những chân đất kém phát triển, hiệu quả thấp. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh ở giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 thì Gia Lai chỉ giữ lại những diện tích cao su trên những chân đất phù hợp với điều kiện thời tiết, cho năng suất cao sẽ được tiếp tục ổn định phát triển góp phần chung vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nông thôn của tỉnh, dự kiến đến năm 2030 sẽ giảm còn 60.000 ha.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ về cây cao su.

Theo tính toán của các chuyên gia, cây cao su có thời gian kiến thiết cơ bản 6 năm, chi phí đầu tư cho cả chu kỳ này khoảng 60 triệu đồng/ha. Với giá mủ cao su trong thời điểm hiện nay, trừ chi phí, mỗi ha cao su, thu lãi ròng dưới 10 triệu đồng. Một trở ngại là chất lượng cao su nguyên liệu vùng Tây Nguyên chưa đồng đều, nhất là từ nguồn cao su tiểu điền do nông hộ quản lý. Hiện nay, giá khai thác gỗ cao su già cỗi ở Tây Nguyên đang ở mốc hơn 100 triệu đồng/ha đã tạo nguồn thu không nhỏ cho người trồng cao su khi hết thời kỳ kinh doanh lấy mủ. Ngoài ra, cao su có khả năng trồng xen với các cây trồng khác, hoặc cây rừng và kết hợp chăn nuôi, giúp tăng thu nhập, giảm rủi ro khi giá biến động và duy trì sự đa dạng sinh học. Cây cao su thu hút khí phát thải và tăng trữ lượng carbon, góp phần chống biến đổi khí hậu. Là cây trồng thân thiện môi trường, không làm giảm nguồn nước và sử dụng ít phân bón, ít hóa chất phòng trừ sâu bệnh so với cây trồng khác.

Tiến sĩ Phan Việt Hà-Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và PTNT)-cho biết: Với kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cây cao su dao động khoảng gần 3 tỷ USD, cao su được xem là một trong những cây trồng chủ lực trong Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên. Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hiện nay năng suất trung bình của cao su Việt Nam khoảng 1,6 tấn/ha, với giá xuất khẩu trung bình năm 2023 là 1.300 USD/tấn thì một ha có thể mang lại thu nhập xấp xỉ 2 ngàn USD, so với các cây trồng chủ lực khác ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu thì thu nhập người dân trồng cao su thấp, tuy nhiên chi phí đầu tư cho cây cao su không cao bằng các loại cây trồng khác. Ngoài ra, cây cao su được xem là cây trồng đa mục đích nên diện tích cao su còn được xem là diện tích rừng và có tiềm năng rất lớn trong thu nhập lâu dài như thu hoạch gỗ cuối chu kỳ khai thác hay có thể tạo thu nhập từ tín chỉ carbon trong tương lai.

Cây cao su đem lại những đổi thay.

Cây cao su đã phủ xanh vùng đất Gia Lai, trên những triền đồi hoang hóa ngày xưa giờ khoác lên mình một diện mạo mới của nông thôn văn minh, hiện đại. Không khó để nhận ra nơi nào cây cao su là ở đó có nông trường, đội sản xuất là ở đó hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang với những cụm dân cư trù phú. Cây cao su là một trong nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 91 xã; 158 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 127 thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số), đa phần là nằm trong các vùng có dự án trồng cây cao su.

Ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 công ty cao su của nhà nước và quân đội; ngoài ra, còn một số công ty, nông trường cao su tư nhân. Cây cao su đã làm cho bộ mặt nông thôn của huyện thay đổi, hiện nay, đường ô tô đã vào đến 100% thôn, làng. Cùng với đó, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với khu vực phòng thủ được xây dựng vững chắc nơi có các công ty, đơn vị trồng cao su đứng chân.

Có thể bạn quan tâm