Nếu chỉ làm giàu cho bản thân, rất nhiều doanh nhân chia sẻ, họ có thể chọn việc nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng khát vọng của họ đã vượt khỏi nhu cầu của bản thân, của gia đình.
Đó là khát vọng làm giàu cho đất nước, khát vọng để bạn bè quốc tế biết đến VN nhiều hơn.
Gần 2 thập niên trước, khi lần đầu tiên tới đảo Síp du lịch, lãnh đạo Tập đoàn SunGroup - nhà phát triển du lịch hàng đầu VN, không khỏi kinh ngạc khi hòn đảo nhỏ bé và không mấy hấp dẫn này lại thu hút tới 15 triệu du khách mỗi năm. Khát vọng “Làm đẹp những vùng đất” mà SunGroup chọn làm kim chỉ nam cho mục tiêu phát triển hiện nay được nhen nhóm từ đó. Người đứng đầu Tập đoàn Vingroup thì chia sẻ lý do tập đoàn này dồn lực vào Vinfast dù đã và đang rất thành công ở nhiều lĩnh vực khác vì “VN phải có ít nhất một thương hiệu được thế giới công nhận”.
Giấc mơ của CEO Nutifood là một doanh nghiệp VN danh tiếng toàn cầu về dinh dưỡng. Khi chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ phục vụ hội thảo tôn vinh bánh mì VN đã không khỏi bất ngờ khi rất nhiều bạn trẻ có ý tưởng “mượn” bánh mì để quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới. Họ, từ tập đoàn tỉ đô tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, thậm chí là li ti, đều mang trong mình niềm tự hào dân tộc và khát vọng làm giàu cho đất nước, theo những cách riêng của mình.
Đất nước muốn phát triển, phải có đội ngũ doanh nhân tương xứng và ngược lại, cùng với sự phát triển của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt ngày càng cho thấy bản lĩnh, sự năng động, linh hoạt, ý chí kiên cường của mình. Sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta hiện có gần 900.000 doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, hơn 5 triệu doanh nhân trong đó có 7 doanh nhân lọt vào danh sách tỉ phú USD toàn cầu. Cùng với sự lớn mạnh về số lượng, doanh nghiệp Việt cũng luôn đổi mới, trở nên bài bản và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, trong gần 3 năm qua khi đất nước đương đầu với đại dịch Covid-19, đại dịch lớn nhất trong lịch sử loài người, doanh nghiệp Việt đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm, tinh thần vì cộng đồng đáng ngưỡng mộ. Họ đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ người dân đối phó với dịch bệnh và cũng chính họ lại là đội ngũ tiên phong trong chương trình phục hồi kinh tế. Họ đi đầu trong xu hướng phát triển xanh, chuyển đổi số, giữ thị trường nội địa, đưa hàng hóa Việt ra thị trường nước ngoài…
Ngày nay, chúng ta đã có những doanh nghiệp trị giá nhiều tỉ USD, đã có những doanh nhân được xếp hạng trong khu vực và thế giới, đã có những dự án - công trình được quốc tế vinh danh. Thế nhưng, không nhiều người biết, để xây dựng nên những tập đoàn kinh tế lớn mạnh là cả một hành trình đầy khó khăn mà chỉ có khát vọng cống hiến, hoài bão xây dựng thương hiệu Việt sánh vai với thế giới mới giúp họ theo đuổi con đường đã lựa chọn.
Sau gần 3 năm đối mặt với dịch bệnh, đã có không ít doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi nhưng cũng đã có rất nhiều công ty được mở mới. Có cả những vinh quang và không thiếu mất mát. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn cho thấy sức sống mãnh liệt cũng như bản lĩnh và khát vọng cống hiến của mình. Những đóng góp của họ cho xã hội, cho đất nước ngày càng lớn, càng nhiều.
Họ, xứng đáng được trân trọng và đặt niềm tin.
Theo Nguyên Khanh (TNO)