Số học sinh giỏi mà tăng 50% ngay trong kỳ học bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thì đúng là... đột biến. Nhưng nếu “đột biến” ở nghĩa quý hiếm như hoa lan thì thật ra giờ đây học sinh bị đúp mới thật sự là... đột biến.
Tình trạng toàn điểm 10, học sinh giỏi... đang đặt ra câu hỏi: Học sinh chúng ta giỏi vì học giỏi hay thầy cô giỏi, nhà trường giỏi trong thành tích tạo ra học sinh giỏi? Ảnh: Minh hoạ của LĐO |
Tin cực “khủng” là số lượng học sinh giỏi ở TP HCM tăng “đột biến”.
Đột biến là từ số lượng vọt lên tới 6.000, tức là tăng 2.000 học sinh so với nhiều năm trước.
Đột biến, là vì đây là số lượng học sinh giỏi lớn nhất trong 7 năm qua. 50%, một con số đúng là quá “khủng”.
Hãy chú ý đến chi tiết bối cảnh mà có tờ báo đã “mở ngoặc” ngay trên tít là con số này có ngay trong học kỳ ảnh hưởng bởi COVID-19.
Ngay trong học kỳ ảnh hưởng bởi COVID-19 mà số lượng học sinh giỏi tăng đột biến thì chỉ có thể có hai khả năng: Hoặc con cháu chúng ta giỏi đột biến ngay cả khi học online, khi giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hoặc là các thầy cô, các nhà trường quá giỏi.
Nói học sinh giỏi tăng vù vù như chứng khoán. Nói lạm phát học sinh giỏi, ra ngõ gặp học sinh giỏi có vẻ là cực đoan.
Nhưng đúng là có những vấn đề khiến dư luận và ngay cả các bậc phụ huynh cảm thấy không vui vẻ gì từ những con số rất khủng, rất đột biến này.
Không vui, bởi tỉ lệ tốt nghiệp luôn ở mức 95-97 thậm chí 99%.
Không vui, bởi giờ đây học sinh giỏi nhiều quá, phổ biến quá, bình thường quá, đến mức lớp nào đó, trường nào đó có một học sinh phải lưu ban hiếm không khác gì “lan đột biến”.
Năm ngoái dư luận nổi sóng khi một trường THCS ở Hà Nội bị 17 phụ huynh ký đơn “tố” bắt ép ký cam kết không cho con thi cấp 3 công lập vì học kém, sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của nhà trường. Thậm chí, còn bị doạ ghi học bạ nếu các em vẫn cố thi.
Câu chuyện được chính người trong ngành bóc mẽ là vì "bệnh thành tích đã tồn tại rất lâu”. Vì nhiều nhà trường và giáo viên sợ bị cắt khen thưởng, ảnh hưởng thi đua nên tiếp tục cho học sinh yếu kém, thiếu sót được lên lớp bình thường. Vì đây chính là tình trạng "ngồi nhầm lớp" âm ỉ suốt nhiều năm. Và hậu quả là những năm cuối cấp, khi học sinh phải tham gia những kỳ thi quan trọng, sự yếu kém mới phát lộ.
Một nền giáo dục bình thường lẽ ra phải là một nền giáo dục không cào bằng về thành tích điểm số và danh hiệu. Bởi học sinh giỏi mà chỉ trên giấy tờ thì cũng vô nghĩa như thành tích không có học sinh lưu ban.
Thậm chí không chỉ vô nghĩa, điều đó còn tầm thường hoá nỗ lực của những học sinh giỏi thật sự, còn tước quyền được lưu ban của các em.
ANH ĐÀO (LĐO)