Xã hội

Gia đình

Khó khăn trong vận động giảm sinh con thứ 3 trở lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh con thứ 3 kéo theo nhiều hệ lụy như đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, chất lượng dân số giảm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn tại một số xã ở huyện Ia Pa, gây cản trở sự phát triển của địa phương.

Dù mới hơn 40 tuổi nhưng chị Rah Lan H’Trút (buôn Hoái, xã Ia Trok) có tới 8 người con, gồm 4 con trai và 4 con gái, đứa lớn đã lấy chồng, đứa bé năm nay mới lên 3 tuổi, chồng thì bị bệnh nặng mất sức lao động. Cuộc sống gia đình với hơn chục miệng ăn luôn ở trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo khó.

 

Gia định chị Ksor H’Mui có đến 6 người con. Ảnh: H.H

Vào mùa giáp hạt, vợ chồng chị H’Trút chỉ trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Giờ đây, khi đã thấy được nỗi khổ của việc sinh đẻ không có kế hoạch, anh chị luôn mong các con mình có biện pháp kế hoạch hóa gia đình để cuộc sống ổn định và nuôi dạy con cho tốt. Chị Rah Lan H’Trút tâm sự:”Lúc đầu 2 vợ chồng lấy nhau cũng có dùng thuốc tránh thai rồi mà không hợp. Đẻ 8 đứa con, chồng thì bị đau không có tiền. Đứa con đầu lấy chồng rồi cũng ở luôn với tôi, gia đình rất khó khăn, không biết làm việc gì để có tiền”.

Hay như vợ chồng anh Kpă Thuyên và chị Ksor H’Múi (thôn Blom, xã Kim Tân) cũng đã có đến 6 mặt con sau hơn chục năm lấy nhau. Dù ruộng nương không có nhưng anh Kpă Thuyên muốn đẻ nhiều bởi anh quan niệm “đông con hơn nhiều của”, nhất là đẻ con gái để về già con gái nuôi. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đặt nặng trên vai khiến anh chị trông già hơn cái tuổi 29 của mình. Căn nhà nhỏ không có gì đáng giá ngoài mấy cái nồi đã cũ, nghèo đói đeo bám nên vợ chồng anh chị phải lo chạy ăn từng bữa. Một năm đói ăn đến 6 tháng, nhưng vì lý do sử dụng biện pháp tránh thai không hợp, nhà lại chưa có con gái nên chị H’Múi lại đang tiếp tục mang thai. Vì nghèo, đứa con lớn của anh chị không được đi học, tương lai của 6 đứa con vẫn đang mù mịt ở phía trước. Trò chuyện với chúng tôi, anh Kpă Thuyên nói: “Hiện tại gia đình mình rất khó khăn, con không có xe đạp đi học nên mình cho nghỉ học luôn. Con đông thì khổ nhất là lúc đau ốm mà nhà lại không có tiền, không có gạo ăn. Nhưng phải chịu thôi, phải nuôi thôi. Chưa có con gái nên mình sinh thêm, khi nào có mình mới dừng”.

Thôn Blom, xã Kim Tân hiện có 240 hộ thì có tới 120 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo và có trên 100 hộ sinh con thứ 3 trở lên, nhà đông nhất có 12 người con, nhà ít cũng có tới 4 người con. Chị Nguyễn Thị Thảo-cán bộ dân số xã Kim Tân cho biết: Dù cán bộ dân số vẫn thường xuyên tới từng nhà tuyên truyền về công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) nhưng nhận thức của người dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, quy định về nộp phạt khi sinh con thứ 3 trở lên đã được áp dụng nhưng vì bà con còn nghèo nên những năm qua địa phương vẫn chưa xử lý được trường hợp nào. Một bất cập nữa là dù được cấp phát tờ rơi về KHHGĐ nhưng một bộ phận người dân không biết chữ nên hiệu quả truyền thông không cao.  

Ông Kpă Lan-Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện cho biết: Công tác Dân số-KHHGĐ trong 9 tháng năm nay tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Ia Pa còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm nên các hoạt động không được triển khai, hoặc khiển khai theo hình thức lồng ghép khiến hiệu quả thấp; đặc biệt, thù lao cộng tác viên năm 2016 chưa được chi trả nên đội ngũ cộng tác viên thôn làng chỉ hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí nghỉ làm. Từ đầu năm đến nay toàn huyện Ia Pa có 157 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, tăng 21 trẻ so với năm 2016, 50/75 thôn làng của huyện đều có người sinh con thứ 3 trở lên, nguyên nhân là do phong tục đẻ con gái để có người “nối dõi”, tâm lý muốn sinh đông con để có sức lao động và những hạn chế trong nhận thức của người dân về áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

Với gần 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, câu chuyện về giảm sinh con thứ 3 trở lên tại huyện Ia Pa vẫn còn lắm gian nan.

Hoàng Hiền

Có thể bạn quan tâm