Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là bài toán khó, nhưng không thể không làm.
Động thái quyết liệt của UBND Q.6 (TP.HCM) khi lên kế hoạch huy động nhiều lực lượng như công an, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ… lập chốt chặn tại khu vực chợ truyền thống để ngăn chặn xe ba gác, xe lôi, xe ba bánh tự chế, xe đẩy tay vào khu vực chợ hoặc tụ tập buôn bán trên lòng đường, vỉa hè được dư luận ủng hộ.
Họp chợ tự phát đông nghẹt người ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: Độc Lập |
Chợ tự phát “lấn át” chợ truyền thống là thực trạng nhức nhối hơn chục năm qua mà TP.HCM chưa thể giải quyết, dù năm nào cũng có văn bản yêu cầu tăng cường xử lý, giải quyết dứt điểm. Nguyên do, những người lập chợ tự phát khá dễ dàng, lợi nhuận cao, không phải đóng thuế, phí cho nhà nước và nhất là nhanh chóng lẩn tránh, phi tang khi bị lực lượng chức năng xử phạt. Chưa kể, với kiểu kiểm tra, xử lý “bắt cóc bỏ dĩa” như thời gian qua, việc lòng đường, vỉa hè bị tái chiếm để lập chợ là điều được dự báo từ trước. Như lãnh đạo UBND Q.6 nhìn nhận, các phường chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức, còn buông lỏng trong công tác lập lại trật tự đô thị, để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè tràn lan, thường xuyên.
Bất cập là vậy, nhưng mỗi khi địa phương mở đợt cao điểm chấn chỉnh thì luôn có luồng ý kiến phản đối, cho rằng chính quyền vội vã hất “nồi cơm” của người nghèo; thậm chí có người đặt vấn đề sao không kiếm việc làm cho họ rồi hãy dẹp... Nhiều người cũng mang tâm lý thích đi chợ tự phát họp bên đường vì giá rẻ, thuận tiện cho bản thân... Trong khi đó, mỗi năm trên cả nước có hàng trăm vụ tai nạn giao thông, nhiều người thiệt mạng liên quan đến tình trạng họp chợ bên đường.
Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là bài toán khó, nhưng không thể không làm. Ngoài khẩu hiệu quyết tâm, cơ quan chức năng cần các giải pháp đồng bộ và nỗ lực làm dứt điểm rồi giữ vững thành quả, không thể cứ để tái diễn hết năm này qua tháng nọ.
Theo Nguyên Vũ (TNO)