Đọc bản tin 6 người tử vong vì chìm ghe trên sông Vu Gia (Quảng Nam), một bạn đọc gửi bình luận: "Ở Mỹ, khi bước lên xuồng, ghe, tàu là phải có áo phao mỗi người 1 cái, ở trong boong tàu thì để áo phao sát bên, ra ngoài phải mặc áo phao, cảnh sát sông biển phát hiện ai phạm luật sẽ phạt 500 đô cho 1 vi phạm".
Không riêng Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng phạt nặng đối với phương tiện chuyên chở không trang bị phao cứu sinh và hành khách không mặc áo phao khi lưu thông trên sông, biển; chủ phương tiện cũng bị nghiêm trị. Tại Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa cũng quy định khá chi tiết về vấn đề trên, song ở xứ ta, khâu giám sát thực hiện và chế tài hành vi vi phạm rất lỏng lẻo, dẫn tới tình trạng luật có mà như không.
Cũng như nhiều vụ tai nạn thương tâm trên sông, biển, hồ... khác xảy ra trước đây, đại diện lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và lãnh đạo địa phương thường đến hiện trường khá sớm để chỉ đạo, thăm hỏi, động viên và tặng tiền hỗ trợ, cùng với đó là chỉ ra bất cập về an toàn đường thủy và hứa sẽ kiến nghị điều chỉnh những khoảng hở pháp lý nhằm phòng ngừa hậu quả tương tự. Thực tế cho thấy "lời nói - gió bay", mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, để rồi tai nạn nối tiếp tai nạn. Thử hỏi, Luật Giao thông đường thủy nội địa có từ năm 2004, đã được sửa đổi vài lần trong 16 năm qua, dưới luật là hệ thống nghị định, thông tư... có đủ cả, vậy tại sao trong quãng thời gian dài như thế mà vẫn không điều chỉnh, chế tài một cách hiệu quả việc trang bị áo phao và mặc áo phao bắt buộc khi dùng phương tiện giao thông thủy? Thi hành luật mà cứ kiểu "đánh trống bỏ dùi" như vậy thì dẫu có bao nhiêu luật cũng chỉ nằm trên giấy, còn tổn thất thì có thật và nặng nề.
Một chuyện khác, không chết chóc đau thương song cũng gây rúng động dư luận, là Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ - thương mại (USC) có trụ sở tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội vừa được cấp phép đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 144.000 tỉ đồng, do 3 cá nhân góp vốn. Chủ đích của nhóm cổ đông này thực hư ra sao cần chờ làm rõ, riêng về lượng vốn "khủng" đó chỉ nhìn qua là biết khả năng ảo rất lớn, nó tương đương với tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng quốc doanh hiện nay cộng lại! So với cả nước, trong tháng 1-2020 có 8.276 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 267.178 tỉ đồng thì riêng USC đã chiếm 53,9%. Bất thường như thế mà vẫn được cấp phép kinh doanh, là vì luật hiện hành không cấm, muốn khai vốn điều lệ bao nhiêu thì khai, miễn là trong vòng 90 ngày sau phải nộp đủ số đăng ký, nộp không đủ thì phải hạ mức cho bằng số vốn thực có. Đáng chú ý, hành vi khai man này chỉ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng (điều 24, Nghị định 50, năm 2016).
Luật Doanh nghiệp thông thoáng tạo thuận lợi cho thương giới nhưng mặt trái của nó cũng sinh ra từ đó. Bài học nhãn tiền là Công ty Địa ốc Alibaba kê vốn điều lệ tới 1.600 tỉ đồng để có "số má" nhằm dễ huy động vốn, lừa người mua đất nền. Và bong bóng Alibaba nổ xẹp ra sao, chúng ta đều đã thấy.
Theo A.Q (NLĐO)