Thời sự - Bình luận

Khởi động Đổi mới lần hai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới đang trải qua những biến động khó lường: đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu mà còn làm thay đổi các lý thuyết kinh tế.

Thay vì ưu tiên mua trang thiết bị, hàng hóa trên thế giới với giá rẻ, mỗi nước nay phải phát triển nền kinh tế dân tộc, bảo đảm thuốc men, các thiết bị y tế cần thiết. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động mạnh mẽ đến thiên nhiên nước ta: hạn mặn xâm nhập sâu hơn, đòi hỏi ĐBSCL phải thay đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Khô hạn, bão lũ chưa từng thấy gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã thay đổi các động lực tăng trưởng: người máy, trí thông minh nhân tạo thay thế nhiều công việc của con người; chuyển đổi số, làm việc qua mạng, thương mại điện tử… diễn ra như vũ bão, tác động đến các nhân tố của năng lực cạnh tranh, thế mạnh thế yếu của mỗi nền kinh tế. Điều gì đúng đối với ngày hôm qua có thể không còn thích hợp đối với ngày hôm nay. Đổi mới, sáng tạo trở thành mệnh lệnh sống còn cho đất nước.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phát huy kinh nghiệm quý báu của Đại hội VI của Đảng năm 1986, khởi đầu công cuộc Đổi mới. Sau 35 năm Đổi mới, nước ta từ một nước phải nhập lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, GDP bình quân đầu người đã tăng hơn 10 lần. Nước ta đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại, kinh tế quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ta có thêm lợi thế trên trường quốc tế.

Phát huy tinh thần tự do kinh doanh theo pháp luật được quy định trong Hiến pháp, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra phần lớn việc làm cho xã hội, khơi dậy trí sáng tạo, tinh thần lao động cần cù, vượt khó của người dân, đóng góp quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo trong xã hội. Đặc biệt, tỉ lệ nữ làm lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân đạt bình quân 24% trong cả nước, cải thiện cơ bản sự bình đẳng giới, đưa Việt Nam trở thành nước hàng đầu ở Đông Nam Á về tỉ lệ nữ doanh nhân...

Tuy nhiên, chúng ta không thể tự mãn vì còn không ít mục tiêu chưa đạt được, khoảng cách về thu nhập, khoa học - công nghệ giữa nước ta và những nước tiên tiến chưa được thu hẹp.

Mặt khác, Đại hội cũng cần kiểm điểm, làm rõ những tồn tại, khuyết điểm và khởi động một công cuộc Đổi mới lần hai để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Công luận rất mong Đại hội rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ những tồn tại, khuyết điểm và đưa ra giải pháp hiệu quả cho những vấn đề cấp bách.

Cải cách thể chế là yêu cầu không thể thoái thác. Phải khắc phục tình trạng bộ máy trùng lắp, chồng chéo, kém hiệu quả và hiệu lực. Công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng đùn đẩy cho tập thể. Đồng thời, cần có những quyết sách đột phá, có hiệu lực mà chính phủ điện tử, chuyển đổi số đã cung cấp những phương tiện kỹ thuật thích hợp.

Rất mong Đại hội XIII sẽ đi vào lịch sử khởi đầu cho công cuộc Đổi mới lần hai trong thế kỷ XXI này.

TS LÊ ĐĂNG DOANH
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm