Thời sự - Bình luận

Không chỉ là mở cửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Qua 4 tháng giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau, đời sống của người dân và cộng đồng doanh nghiệp ở TP.HCM đã trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc.

Vì thế, việc TP.HCM mở cửa, nới lỏng các biện pháp giãn cách từ ngày 1.10 là cần thiết. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao mở cửa an toàn, từng bước phục hồi kinh tế để cải thiện đời sống người dân, sức khỏe doanh nghiệp (DN).

Muốn như thế, chúng ta đừng quá sợ hãi Covid-19, cần tỉnh táo nhìn nhận để có cách phản ứng phù hợp. Mở cửa kinh tế phải được hiểu là liên thông, đừng cục bộ thành từng khu vực theo kiểu nơi này mở nhưng nơi kia đóng, để rồi DN vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn do chi phí tăng cao. Như thế, các DN khó có thể vượt qua khó khăn.


Các cấp chính quyền phải giải quyết bài toán là mở cửa rồi nhưng DN có hoạt động được hay không? Các sở ban ngành, cơ quan chức năng phải hoạt động lại như thế nào cho có hiệu quả? Bởi sự vận hành của nền kinh tế, của cộng đồng DN phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan ban ngành. Suốt 4 tháng giãn cách, hồ sơ tồn đọng không hề ít và nay có thêm hồ sơ mới để phục vụ quá trình mở cửa trở lại thì sức ép giải quyết công việc càng lớn hơn. Vì thế, chính quyền cần có một quy trình hiệu quả để giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng.

Khi chuyển sang giai đoạn mới “sống chung với dịch”, thì hệ thống vận hành của toàn xã hội cùng cần chuyển đổi, có cách tiếp cận mới phù hợp. Các tiêu chuẩn dập dịch phải liên đới cùng các yếu tố phát triển kinh tế, chứ đừng chỉ có “dập” mà không “xây”. Các tiêu chí đánh giá về ứng phó dịch đặt ra cho các cấp chính quyền cần phải được đo lường cả về tình hình lây nhiễm bệnh dịch và hiệu quả phục hồi kinh tế. Các tiêu chuẩn, mục tiêu phải được lượng hóa cụ thể.

Từ những tiêu chuẩn, mục tiêu như vậy, cần có những kịch bản để phòng ngừa dịch tái bùng phát trên diện rộng thì ứng phó ra sao. Các kịch bản ứng phó cũng cần thay đổi theo tình hình mới, thay đổi về cách thức quản trị, đừng để lặp đi lặp lại việc mở rồi đóng, đóng rồi mở thì cả người dân, lẫn DN khó có thể theo kịp.

Song hành cùng các thay đổi về quản trị, về điều hành thì chính quyền cần có các chương trình hỗ trợ cả người dân lẫn DN một cách cụ thể hơn, với các kế hoạch hành động đầy đủ tiêu chí và phân chia rõ ràng: ban nào, ngành nào thì có các chương trình nào, DN phải hành động ra sao, người dân phải làm gì… Các hỗ trợ rõ ràng, rành mạch sẽ có tác động rất lớn đến sự phục hồi chung.

Vừa qua, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã có Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Sắp tới sẽ là cơ hội để kết luận trên phát huy hiệu quả, bởi vì việc chuyển đổi để thích ứng với trạng thái mới đòi hỏi những cán bộ năng động, sáng tạo để kịp thời thay đổi phù hợp.

TS Nguyễn Cao Trí
(Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.1, TP.HCM)

(Dẫn nguồn theo TNO)

 

Có thể bạn quan tâm