Chính quyền Hồng Kông vừa bày tỏ hy vọng có thêm các cuộc đối thoại với những lãnh đạo phong trào biểu tình đòi cải cách bầu cử, sau khi lần đàm phán đầu tiên giữa hai phe kết thúc với kết quả "mang tính xây dựng".
Đại diện chính quyền Hồng Kông (phải) đàm phán với 5 lãnh đạo biểu tình sinh viên |
"Đối thoại ngày hôm nay hy vọng sẽ là lần đầu tiên của cuộc đàm phán nhiều vòng"-AFP dẫn lời Chánh Văn phòng Carrie Lam Cheng Yuet-ngor phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc cuộc gặp dài hai giờ với các lãnh đạo sinh viên biểu tình.
Bà Lam mô tả cuộc trao đổi "mang tính xây dựng", đồng thời cho biết quan điểm của chính quyền Hồng Kông là theo lập trường của Trung Quốc, yêu cầu ứng viên tham gia đợt bầu cử lãnh đạo đặc khu năm 2017 phải được một ủy ban thân Bắc Kinh kiểm duyệt.
"Nếu các sinh viên không thể chấp nhận điều này, tôi e là chúng ta sẽ tiếp tục có quan điểm khác nhau"- bà nói.
Người biểu tình theo dõi cuộc đối thoại giữa chính quyền với lãnh đạo sinh viên được trực tiếp trên màn hình lớn ở quận Admiralty |
Alex Chow-Thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS), cho rằng đường lối phát triển của chính quyền hiện tại là "không dân chủ, không công bằng, không cởi mở và không phải một sự tiến bộ". Chow mặc chiếc áo thun màu đen có dòng chữ "Freedom now" (tự do ngay bây giờ) cùng 4 người khác tham gia đàm phán với chính quyền.
"Yêu cầu của người dân Hồng Kông trong những phát triển tiếp theo của hiến pháp thành phố rất đơn giản - chỉ định dân sự. Chúng tôi không muốn các ứng viên được chọn sẵn"-Chow nói.
Trưởng đặc khu hành chính Leung Chun-ying chiều nay cho biết ông sẵn sàng thiết lập một ủy ban dân chủ hơn để kiểm duyệt ứng viên kế nhiệm ông. Đề nghị này được xem là dấu hiệu đầu tiên của một khả năng đàm phán sắp tới. Trong cuộc phỏng vấn cuối ngày hôm qua, ông Leung còn cho rằng nếu chính quyền đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình đòi dân chủ thì người nghèo sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử lãnh đạo mới.
Nhiều nút giao thông chính tại Hồng Kông đã bị tê liệt kể từ hôm 28-9 bởi phong trào biểu tình đòi bầu cử tự do. Sự kiện được xem là thách thức lớn nhất với Bắc Kinh từ sau khi Trung Quốc tiếp nhận lại nhượng địa từ Anh này vào năm 1997.
Theo Vnexpress