Một thông tin quan trọng được WHO đưa ra mới đây cho biết, biến thể phụ JN.1 lưu hành nhiều nhất đã được 71 quốc gia báo cáo, chiếm khoảng 66% số trình tự gen được giải mã. JN.1 có những đặc điểm kháng nguyên mới cho phép vi rút dễ dàng tấn công vào hệ miễn dịch, dễ lây truyền hơn.
Là một biến thể có khả năng lây lan nhanh, JN.1 là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 và tử vong tại một số nước, trong đó có khu vực Đông Nam Á gia tăng nhanh thời gian gần đây.
Tại Việt Nam, kết quả giải mã trình tự gen gần 20 ca mắc Covid-19 vừa qua ghi nhận bệnh nhân nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1. Tất cả các trường hợp này đều diễn biến khá nặng và chưa tiêm đủ mũi vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Kết quả giải mã trình tự gen do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tiến hành trên mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong tháng 12-2023 ghi nhận có 12/16 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1, ngoài ra có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1, 2 ca BA.2.86.1 và 1 ca XDD.
Điều đáng lo ngại là số ca nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và các cơ sở y tế có xu hướng tăng dần trong những tuần gần đây. Đơn cử, từ ngày 18-12-2023 đến hết ngày 22-1-2024, các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 94 ca Covid-19 điều trị nội trú. Trong đó, 17 ca bệnh nặng phải thở oxy, không có ca tử vong.
Trước tình hình này, WHO khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19. Bởi thực tế, nhờ có vắc xin mà năm 2021, thế giới đã có hơn 14 triệu người được cứu sống.
Với tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi cơ bản tại Việt Nam đạt trên 87% và tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại trên 60% thì sự xuất hiện của biến thể mới JN.1 chưa phải là vấn đề đáng lo ngại trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo các cơ sở y tế, chính quyền các địa phương và người dân cần nâng cao ý thức đề phòng dịch bệnh, không lơ là, mất cảnh giác trước biến thể phụ của Omicron này, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu đi lại, giao lưu, tiếp xúc của người dân tăng cao, là điều kiện lây lan nhanh các biến thể của SARS-CoV-2.
Đặc biệt, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, nơi có nhiều công nhân, người lao động tự do từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê ăn Tết cần đề phòng dịch Covid-19 quay trở lại.
Trước mắt, chính quyền và ngành Y tế các địa phương cần thực hiện khuyến nghị của Bộ Y tế, tùy từng điều kiện cụ thể, tích cực kêu gọi và tổ chức cho người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là với người cao tuổi và những người có các bệnh lý nền, những người từ 18 tuổi trở lên nhưng chưa tiêm vắc xin lần nào. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị phương án thu dung, điều trị khi số bệnh nhân mắc Covid-19 gia tăng.
Hai năm trước, Việt Nam từng được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong việc chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hơn 4 vạn người đã ra đi vì đại dịch này vẫn luôn là một con số ám ảnh với mỗi chúng ta, khi có những gia đình phải chịu cảnh mất mát, chia ly; nền kinh tế đất nước cũng phải gánh chịu những hậu quả khá nặng nề khi các chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, sản xuất kinh doanh trong nước bị đình đốn, doanh nghiệp thiết hụt đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc giải thể; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, nhiều gia đình phải lâm vào cảnh khó khăn.
Vì vậy, không thể vì vui Tết mà lại lơ là mất cảnh giác với dịch bệnh. Nhất là khi chúng ta đã có những bài học thực tế sinh động từ công cuộc chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022 cùng những khuyến cáo của ngành Y tế và WHO.