Thời sự - Bình luận

Không nương tay với 'ma men'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều ngày 12-11, tại TP HCM lại xảy ra một vụ tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Văn Tăng, TP Thủ Đức gây chết người, có nguyên nhân cũng từ tài xế uống rượu bia.

Kết quả kiểm tra của cảnh sát cho thấy có nồng độ cồn trong máu tài xế điều khiển ô tô gây tai nạn. Làm việc với Công an TP Thủ Đức, tài xế Phạm Cao Trí, 39 tuổi, khai vừa nhậu với các bạn. Trước khi tông vào hàng loạt xe, xe của tài xế này va chạm với một ô tô khác nên không làm chủ được tốc độ.

Từ nhiều năm qua, câu khẩu hiệu gần như đã nằm lòng với người dân Việt Nam khi tham gia lưu thông "Đã uống rượu bia thì không lái xe". Thế nhưng, không phải ai cũng có ý thức về việc này, nhiều người còn cho rằng mình đủ tỉnh táo sau khi uống rượu, bia nên vẫn điều khiển xe trở về cơ quan hay nhà riêng sau cuộc nhậu.

Một thời TP HCM làm rất mạnh tay trong việc kiểm tra, xử phạt, báo chí và dư luận từng vui mừng rằng từ nay "ma men" hết hoành hành bởi các lực lượng chức năng sẽ làm quyết liệt, thẳng tay xử lý. Nhiều chủ quán nhậu còn sẵn sàng bố trí ô tô đưa các khách nhậu về nhà. Tình hình tạm yên ắng một thời gian rồi sau đó trở lại như cũ, không ít người bất chấp, điều khiển ô tô và xe máy khi có nồng độ cồn trong hơi thở vượt ngưỡng cho phép. Tất nhiên cũng có trường hợp bị CSGT kiểm tra, đo nồng độ cồn, xác định lỗi và xử phạt, song số người "lọt lưới" cũng không phải ít.

Tại Việt Nam, rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới từ 15 - 49 tuổi. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia năm 2022, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu bia. Thống kê cũng cho thấy, trong số 100 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thì độ tuổi từ 15 - 29 chiếm gần 60%.

Từ mấy tháng qua, cả nước ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, xử phạt nghiêm những trường hợp sử dụng rượu bia, ma túy lưu thông trên đường. Thông tin trên báo đài cũng cho biết các cơ quan đơn vị, nhất là cơ quan nhà nước đều đặc biệt chú ý đến việc này, yêu cầu cán bộ công nhân viên tuân thủ luật giao thông, không lái xe khi đã uống rượu bia.

Nếu dự tiệc hay tình thế bất khả kháng thì không được tự điều khiển xe mà phải thuê xe taxi hoặc nhờ người chở về. Ai vi phạm, không chỉ bị cơ quan chức năng xử lý theo luật định mà cơ quan còn có hình thức kỷ luật nghiêm khắc để răn đe, giáo dục. Những vụ việc xử lý điển hình của lực lượng chức năng trong thời gian gần đây đối với nhiều cán bộ đương chức ở một số địa phương vừa vi phạm vừa có thái độ không đúng mực, cũng góp phần cảnh tỉnh, nhắc nhở nhiều người tuân thủ luật pháp, không xem thường hay có hành vi ứng xử sai trái với người thi hành công vụ.

Điều khiển xe khi đã uống rượu bia, gây tai nạn là đem đến hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Mạng người là vô giá, đã mất mát là không thể bù đắp nổi. Mọi sự hối hận, day dứt đều đã muộn. Hãy nghĩ đến những hậu quả có thể đem đến để tuân thủ luật giao thông, để ứng xử với rượu bia một cách có văn hóa và đúng mực.

Có thể bạn quan tâm