Tin tức

Khủng hoảng, đối đầu bủa vây ông Trump

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn cố gắng làm chủ sân khấu trung tâm, nhưng giờ đây ông đang bị bủa vây tứ phía bởi một chuỗi thử thách cả trong lẫn ngoài nước. Và tình hình ngày càng trở nên cam go.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNBC)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNBC)



Một tuần mới sóng gió đến với ông Trump ngay từ thứ Hai (9-4), khi các quan chức cấp cao Mỹ nhóm họp dưới sự chỉ đạo của cố vấn an ninh quốc gia mới John Bolton để thảo luận cách thức phản ứng vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Vụ tấn công nhằm vào dân thường, và đích thân ông Trump đã quy trách nhiệm cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, làm tăng khả năng Mỹ sẽ lại dùng hành động quân sự để đáp trả tương tự như tháng 4 năm ngoái.

Càng làm căng thẳng leo thang, Đài Truyền hình Nhà nước Syria đưa tin một vụ tấn công tên lửa đã diễn ra nhằm vào một căn cứ trong đêm 8/4 và nêu khả năng là từ Mỹ. Nhưng một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định tin này không đúng sự thật.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đang đưa nước Mỹ tiến tới bờ vực một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc. Trong vụ việc ở Syria, ông chủ Nhà Trắng khiến nhiều người bất ngờ khi thẳng thừng nêu tên Tổng thống Nga Putin và nhắc đến trách nhiệm của Moscow.

Ở trong nước, Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của ông Trump cũng đang đối mặt với rất nhiều sóng gió. Mike Pompeo - người vừa được Tổng thống Trump chọn làm Ngoại trưởng - dự kiến sẽ phải trải qua một phiên điều trần khắc nghiệt để được phê chuẩn vào thứ Năm (12/4), với những chất vấn hóc búa từ phía các thành viên Dân chủ.

Quyết định của Tổng thống Mỹ tuần trước cử lực lượng cảnh vệ tới biên giới tây nam để phản ứng với những gì mà giới chỉ trích gọi là một cuộc khủng hoảng không tồn tại đang khiến chính sách nhập cư bị phân cực, và nhiều khả năng vấn đề còn tồi tệ hơn nữa trong những ngày sắp tới.

Sự xáo trộn nhân sự liên tục cùng bầu không khí bất hòa trong nội bộ chính quyền cũng trở nên căng thẳng, khi phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Michael Anton rời nhiệm tối ngày 8/4, ngay trước khi ông Bolton nhận chức vụ mới.

Đám mây mang tên Nga vốn bao phủ mỗi ngày kể từ khi ông Trump lên nắm quyền giờ có khả năng lại càng dày đặc hơn. Sự hiện diện của CEO Facebook Mark Zuckerberg ở Đồi Capitol ngày 19/4 càng tăng thêm nguy cơ làm hồi sinh hoài nghi về sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Theo CNN, về ngắn hạn, sự thể hiện đối với Syria và Trung Quốc có lẽ sẽ đáng ngại hơn đối với ông Trump.

Tổng thống Mỹ đã lên mạng xã hội Twitter bày tỏ suy nghĩ của mình về vụ tấn công khiến hàng trăm dân thường Syria thiệt mạng và bị thương, đồng thời cảnh báo "giá đắt phải trả" cho thảm kịch này. Do vậy, tín nhiệm của vị Tổng tư lệnh Mỹ và việc ông sẵn sàng thực thi các ranh giới đỏ đã đặt ra sẽ trở thành một vấn đề quan trọng nếu vụ tấn công được xác định liên quan đến quân đội chính quyền Assad.

Nhưng để có hiệu quả hơn so với trước kia, Mỹ sẽ phải hành động mạnh mẽ hơn nữa. Điều đó lại có nguy cơ kéo Washington dấn sâu hơn nữa vào cuộc chiến, làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Iran – hai nước hậu thuẫn ông Assad. Chưa kể, mới cách đây chưa đầy 2 tuần, chính ông Trump tuyên bố muốn rút quân Mỹ khỏi Syria thật sớm.

Nếu Tổng thống Mỹ quyết định hành động quân sự thì ông có thể nhận thêm sự ủng hộ ở Quốc hội.

"Lần trước điều này đã xảy ra, Tổng thống đã ra lệnh tấn công có lựa chọn nhằm tiêu diệt một số cơ sở. Đó có thể cũng là lựa chọn mà chúng ta nên xem xét lúc này", Thượng nghị sĩ Susan Collins của Đảng Cộng hòa nói với CNN.

Lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cho rằng nếu chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công vũ khí hóa học mới nhất thì đó sẽ một "tội ác chiến tranh chống lại con người". Bà cũng thúc giục ông Trump: "Chính quyền ông Trump rốt cuộc phải đưa ra một chiến lược khôn ngoan, mạnh mẽ và nhất quán ở Syria".

Thanh Hảo (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm