Tin tức

Khủng hoảng Ukraine: Chờ thời...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau nhiều thập kỷ, châu Âu lại chứng kiến những sự đối địch. Cùng với cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine còn có cuộc thư hùng giữa Nga với Mỹ, NATO, Liên minh châu Âu (EU) và đồng minh.

Cả Ukraine lẫn Nga đều bị tổn hại nhiều về người và của nhưng không chỉ có những thua thiệt này. Theo tính toán của giới truyền thông phương Tây, Nga kiểm soát được khoảng 20% lãnh thổ Ukraine bất chấp những biện pháp chính sách bao vây cấm vận, trừng phạt của Mỹ, EU và đồng minh.

Tuy nhiên, Nga đã không đạt được mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh và giờ thậm chí còn phải triệt thoái khỏi một số nơi và chịu bị Ukraine phản công ở một số vùng.

Ukraine đã làm thất bại mưu tính chiến lược và sách lược ban đầu của Nga, chặn được tốc độ tiến quân của Nga nhưng không đẩy lùi được quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ mình; họ chỉ đạt được kết quả này nhờ sự trợ giúp mạnh mẽ từ phía Mỹ, NATO, EU cùng đồng minh về chính trị và quân sự.

Ukraine còn trở thành nơi đối địch giữa vũ khí, tiền bạc của Mỹ, NATO, EU và đồng minh với Nga. Ngoài ra, chúng ta còn thấy được 2 điều từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Thứ nhất, cuộc xung đột này làm thay đổi cơ bản Ukraine, Nga, EU, NATO, an ninh và địa chính trị ở châu Âu, chính trị thế giới và quan hệ quốc tế, thương mại toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng năng lượng, lương thực trên thế giới. Thứ hai, vì là chuyện "hai trong một" nên xung đột ở Ukraine sẽ còn dai dẳng, kết cục cuối cùng của nó còn bất định và những hệ lụy, hậu quả của nó còn tiếp tục lộ diện theo thời gian.

 

Phái đoàn của Nga và Ukraine gặp nhau tại TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29-3. Đến tháng 5-2022, hòa đàm giữa Moscow và Kiev bị đình trệ Ảnh: REUTERS
Phái đoàn của Nga và Ukraine gặp nhau tại TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29-3. Đến tháng 5-2022, hòa đàm giữa Moscow và Kiev bị đình trệ. Ảnh: REUTERS


Xung đột còn tiếp diễn vì cả giải pháp quân sự lẫn giải pháp chính trị hòa bình đều không gặp thời. Hiện tại, cả Nga lẫn Ukraine và phe ủng hộ Ukraine đều thiên về giải pháp quân sự vì 2 nguyên do.

Thứ nhất, tất cả đều cho rằng chỉ có giải pháp quân sự mới hạn chế được tối đa mức độ tổn hại thể diện cho họ và bảo tồn cho họ cơ hội có được vai vế nhất định về chính trị, an ninh ở châu Âu trong tương lai. Thứ hai, họ tin rằng vẫn còn có thể thắng trên chiến trường.

Nga tự tin vào tiềm lực của mình và trù liệu rằng phe hậu thuẫn Ukraine không thể chống lưng cho nước này giao tranh với Nga dài lâu bất tận. Trong khi đó, Ukraine tin rằng sẽ được Mỹ, NATO, EU và đồng minh hậu thuẫn đến cùng và bằng mọi giá vì nếu Ukraine thua Nga thì chính phe này cũng thua Nga. Còn Mỹ, NATO, EU và đồng minh lại cho rằng cuộc xung đột càng dai dẳng thì Nga sẽ càng suy yếu và sớm muộn rồi cũng sẽ thất bại. Cho nên, tất cả đều tiếp chiến để chờ thời.

Giải pháp chính trị hòa bình hiện hoàn toàn bất khả thi và chưa biết đến khi nào mới khả thi, bởi Nga và Ukraine đều không muốn và không thể đi vào hòa đàm với nhau. Cả hai vẫn kỳ vọng vào kết cục quân sự. Hòa đàm bây giờ thì Nga chưa đạt được mục tiêu quân sự đề ra và Ukraine không thể khôi phục được sự toàn vẹn lãnh thổ.

Mọi nỗ lực trung gian hòa giải chẳng thể có kết quả khi hai bên chưa thật sự muốn đi vào hòa giải với nhau. Giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine phải bao hàm thương thảo giữa Nga với Ukraine và giữa Nga với Mỹ, NATO, EU mà cả thiên thời lẫn địa lợi lẫn nhân hòa cho giải pháp chính trị hòa bình này hiện đều thiếu vắng.

Theo Ngải Sa (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm