Thời sự - Bình luận

Kỳ vọng gói hỗ trợ kỷ lục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuối cùng thì gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà người dân, doanh nghiệp mong đợi nhất đã chính thức được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV ngày 4.1.

Dù không tới 10% GDP như mong đợi, nhưng đây là cũng là gói hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử, lên tới 340.000 tỉ đồng. Vấn đề quan tâm tiếp theo chính là sử dụng gói này như thế nào, vào đâu để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu VN, để một đồng hỗ trợ phát huy tính lan tỏa mạnh nhất, rộng nhất thì phải ưu tiên những vùng kinh tế trọng điểm, những ngành có tính dẫn dắt.

Ví dụ, ngành hàng không và du lịch nếu hồi phục sẽ kéo theo một loạt các ngành nghề khác như vận tải, dịch vụ, lưu trú, ăn uống, giải trí, bất động sản... Đầu tàu TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam mà hồi phục sẽ kéo theo rất nhiều địa phương khác bật dậy. Một doanh nghiệp (DN) lớn được hỗ trợ, kéo theo nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp vệ tinh sống lại, giải quyết nhiều công ăn việc làm, tăng nhu cầu mua sắm, kích thích tiêu dùng từ đó kích hoạt sản xuất...

Sở dĩ có ý kiến trên vì trước đó, nhiều ý kiến cho rằng cần hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đối tượng bị tổn thương nặng nề vì đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa rồi. Gói hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập DN cuối năm 2021 cũng giới hạn cho các đơn vị có doanh thu không quá 200 tỉ đồng. Tất nhiên là sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh thì DN nào cũng khó, địa phương nào cũng khó, cũng cần được hỗ trợ. Thế nhưng, trong bối cảnh ngân sách không đủ để “kham” hết, thì việc chọn trọng tâm, trọng điểm là rất quan trọng, rất cần thiết. Chưa kể hiệu quả của đồng vốn hỗ trợ còn tác động trực tiếp đến lạm phát. Tiền đẩy ra mà hàng không có hoặc có nhưng không tương xứng thì sẽ dẫn đến lạm phát. Mà lạm phát lại vô hiệu hóa chính sách hỗ trợ tiền tệ là giảm lãi suất.

Một vấn đề quan trọng nữa là tính quyết liệt trong thực hiện song song với đơn giản hóa tối đa các thủ tục để người dân, DN có thể tiếp cận chính sách nhanh nhất, dễ nhất. Chúng ta đều đã chứng kiến tình trạng các gói hỗ trợ đưa ra nhưng đối tượng thụ hưởng không hấp thụ được vì rào cản quy định, thậm chí có rất nhiều quy định bất hợp lý. Đó là lý do mà không ít hiệp hội ngành nghề cho rằng rút ngắn thủ tục, gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách cũng chính là dư địa để kinh tế hồi phục và phát triển. Có thể xem đây như một gợi mở để chúng ta quyết liệt thực hiện với các ngành nghề, lĩnh vực, vùng... mà gói hỗ trợ lịch sử lần này chưa thể “choàng” tới.

Từ ngày 10.1 tới, TP.HCM sẽ cho phép karaoke, massage, bar, vũ trường hoạt động trở lại, “bình thường mới” toàn bộ khu vực dịch vụ, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương này. Trong báo cáo hôm qua, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cũng cho biết VN là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 cao nhất thế giới. Nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể “bình thường mới”, thích ứng an toàn thay vì một số địa phương vẫn đặt ra những quy định riêng gây cản trở đến các hoạt động kinh tế cũng như sinh hoạt của người dân. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để gói hỗ trợ phát huy tối đa tác dụng.

Gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử đang được kỳ vọng làm nên lịch sử, đó là đưa nền kinh tế VN hồi phục và bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

Theo NIÊN AN (TNO)

Có thể bạn quan tâm