Tin tức

Lá thư thất lạc của Einstein có thể giải mã bí ẩn khoa học 70 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lá thư bị thất lạc từ lâu của Albert Einstein thảo luận về bí ẩn của mối liên hệ giữa vật lý và sinh học 70 năm trước khi bằng chứng xuất hiện.
 

 Một người đi qua bức vẽ
Một người đi qua bức vẽ "Albert Einstein" của Andy Warhol. Ảnh: AFP.



Albert Einstein đưa ra dự đoán kinh ngạc trong một bức thư bị thất lạc từ lâu. Lá thư này có thể giúp các nhà khoa học giải đáp một trong những bí ẩn lớn nhất hiện nay.

Theo Daily Mail, việc khám phá ra "siêu giác quan" của động vật đã được Albert Einstein dự đoán khoảng 70 năm trước khi bằng chứng xuất hiện - một bức thư viết năm 1949 chỉ ra.

Trong cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu radar Glyn Davys, Albert Einstein nhận định rằng, một ngày nào đó vật lý mới có thể xuất hiện từ nghiên cứu về các loài chim di cư.

Khái niệm dạng này vẫn đang được khám phá vào thời điểm hiện tại, trong đó các nhà nghiên cứu khám phá ra cách các loài chim di cư có thể điều hướng chính xác khi bay hàng nghìn km.


 

Thư của Albert Einstein. Ảnh: Đại học Hebrew của Jerusalem.
Thư của Albert Einstein. Ảnh: Đại học Hebrew của Jerusalem.



Năm 2008, các chuyên gia lắp máy phát sóng vô tuyến cho chim hoét và lần đầu tiên thấy loài chim có một dạng la bàn từ trường giúp chúng định hướng.

Bức thư chưa từng được công bố trước đây do Albert Einstein gửi cho Glyn Davys được góa phụ của nhà nghiên cứu radar - bà Judith Davys, chia sẻ với các nhà nghiên cứu Australia.

Một bài viết thảo luận về lá thư của Einstein được Adrian Dyer thuộc Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne chấp bút. Dyer là người thực hiện nghiên cứu về tầm nhìn của loài ong.

"Bảy thập kỷ sau khi Einstein đề xuất vật lý mới có thể đến từ nhận thức giác quan của động vật, chúng ta đang thấy những khám phá thúc đẩy hiểu biết của chúng ta về điều hướng và các nguyên tắc cơ bản của vật lý" - Giáo sư Dyer chia sẻ.

Bức thư thất lạc từ lâu cũng đề cập về cuộc gặp gỡ của Einstein với người từng đoạt giải Nobel Karl von Frisch, một nhà nghiên cứu về giác quan của loài ong và động vật hàng đầu vào thời điểm đó.

Tháng 4.1949, Giáo sư Karl von Frisch trình bày nghiên cứu của ông phát hiện cách ong mật có thể điều hướng qua sử dụng các mô hình phân cực của ánh sáng tán xạ từ bầu trời. Đây là bài giảng mà Einstein đã tham dự.

Ngày hôm sau, hai nhà khoa học đã có cuộc họp riêng, trong đó có thể đã thảo luận về những điều phức tạp trong công việc của Giáo sư von Frisch.

Trong thư gửi cho Glyn Davys, Einstein viết rằng: "Có thể việc điều tra hành vi của các loài chim di cư và chim bồ câu đưa thư có thể dẫn đến hiểu biết về một số quá trình vật lý chưa được biết đến".

Nhà vật lý lý thuyết Andrew Greentree của Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne, cho biết thêm: “Đáng chú ý, thông qua lá thư, Einstein đã hình dung ra những khám phá mới có thể đến từ việc nghiên cứu hành vi của động vật".

Trên thực tế, một trong những lý thuyết được đưa ra để giải thích nguồn gốc của cảm giác từ tính của một số loài chim liên quan đến rối lượng tử và tính ngẫu nhiên - hai khái niệm trong vật lý được chính Einstein đề xuất đầu tiên.

https://laodong.vn/the-gioi/la-thu-that-lac-cua-einstein-co-the-giai-ma-bi-an-khoa-hoc-70-nam-909799.ldo

Theo Hải Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm