Xã hội

Gia đình

Lại chuyện đánh ghen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ mất vài giây nhấp chuột trên Google để “tra cứu” từ “đánh ghen”, tôi đã có hàng dài kết quả trên màn hình máy tính. Đủ cả, kiểu như “Đánh ghen một mình, vợ bị chồng đánh tới tấp”, “Hai con vào hộ mẹ, đánh luôn” (lời người mẹ đi đánh ghen nói), “Lột đồ đổ nước mắm lên người phụ nữ bị nghi giật chồng”, “Vợ xé áo đánh ghen với bồ nhí, chồng vừa cầu xin vợ vừa xuýt xoa xin lỗi nhân tình”…
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Dày đặc và lướt qua những cái tít này mà chưa xem kỹ nội dung, người đọc đã cùng lúc “chịu” sự tra tấn bởi các thái cực cảm xúc đối ngược: hỉ-nộ-ái-ố; thông cảm, thương xót, giận dữ, cười buồn, bẽ bàng, đau đớn...
Vòng vo cũng chỉ để nói đến thực trạng: có quá nhiều vụ án đau lòng do ghen tuông mù quáng gần đây. Đành rằng là chuyện “xưa như quả đất”, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng cái sự “phá đám” của nó trong đời sống thực tế xã hội khiến chúng ta không thể không bận tâm, lo ngại. Đâu chỉ người trẻ, sồn sồn, mà cả người “gần đất xa trời”. Mới nhất, rạng sáng 20-8, Lại Đức Chung (SN 1983, trú tại phường Đống Đa, TP. Pleiku) cùng Lê Ngô Vĩnh Phát (SN 1993, trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) điều khiển xe ô tô BKS 81A-1253 đến để nói chuyện “phải quấy” với Nguyễn Văn Toàn (SN 1984, trú tại 2B, đường Duy Tân, TP. Pleiku). Khi Chung ra trước đầu  xe  chặn lại, Phát cầm mã tấu tự chế chém vào bên hông phải xe ô tô của Toàn thì Toàn nổ máy điều khiển xe lao thẳng về phía trước, đâm phải Chung khiến anh này bị thương nặng dẫn đến tử vong. Nguyên nhân ban đầu theo cơ quan chức năng là do Toàn phát hiện Chung có tình cảm với vợ của mình. Trước đó, vụ án xảy ra ở đường Wừu (TP. Pleiku) làm một hot girl thiệt mạng, theo dư luận thì cũng là do liên quan đến ái tình.
Hỏi vì sao người ta lại đánh ghen, bêu riếu, hạ nhục hay nghiêm trọng hơn là thanh toán hơn thua với tình địch, chỉ có bản thân đương sự thông qua cơ quan điều tra mới lý giải rõ ràng, đầy đủ. Nhà chức trách và các nhà tâm lý học, xã hội học, chuyên gia chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bi kịch kiểu này như: do nóng giận, say xỉn, không làm chủ hành vi, thiếu kiềm chế, hành xử côn đồ, thiếu hiểu biết pháp luật, lối sống buông thả, thực dụng, mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, kể cả tống tiền… Nguyên nhân còn bởi tác động từ “đối tác” kiểu như “không có lửa làm sao có khói”, tức là có sự “tương tác” của “người trong cuộc”. Nhưng như trên đã nói, vượt qua lối hành xử đánh ghen “truyền thống” vì sự nóng giận tức thời, “dữ” hơn là “gọt đầu cắt tóc bôi vôi, khua chiêng gióng trống thông báo, giải diễu quanh làng, bây giờ người ta đánh ghen lạ kỳ hơn, ghen ngược rồi đánh, giết tình địch tàn bạo, man rợ như tạt a xít, đốt nhà, phanh thây, phi tang, tức là không còn “đánh” mà là hủy hoại, là giết người.
Trai gái, ngoại tình, ghen tuông dẫn đến hành vi phạm tội là vi phạm pháp luật, truyền thống, đạo đức. Vẫn biết một khi bị phát hiện ngoại tình thì chưa cần tìm hiểu nguyên nhân, dư luận đã chĩa mũi dùi gièm pha, đả phá, lên án không chỉ bản thân mà gia đình, dòng họ, thậm chí xóm giềng cũng bị ảnh hưởng, xấu mặt, nhưng với một số người, thật lạ, họ chẳng mảy may thấy được điều đó, hẳn là cố tình. Sự thực đó cho thấy sức mạnh dư luận chưa đủ mạnh mẽ, đanh thép để có thể khiến những kẻ đứng trước nguy cơ vi phạm chùn tay, lo sợ, né tránh.
Tuy nhiên, khi chúng ta còn đang phấn đấu xây dựng một xã hội pháp quyền; khi pháp luật có lúc có nơi còn chưa được thực thi một cách nghiêm khắc nhất; khi dư luận và đạo đức xã hội chưa đủ sức lên án, áp đảo, răn đe, khống chế buộc hành vi vi phạm đạo đức phải khiếp sợ, cúi đầu; khi tình cảm và niềm tin tôn giáo chưa đủ sức chế ngự lỗi lầm thì cái ác, cái xấu cũng sẽ vẫn còn.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm