Thời sự - Bình luận

Lại nhắc đến… pháo!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể tóm tắt về mấy ngày xuân: vui với rượu bia, buồn về pháo.
 
Pháo lậu đốt rợp trời ở Hướng Hóa, Quảng Trị ngay sau đêm giao thừa Tết Canh Tý (ngày 25-1) - Ảnh: TRIỆU VÂN
Nói vui với bia rượu là bởi rất nhiều người không còn dám uống rượu bia rồi lái xe. Buồn về pháo là bởi ngay đêm giao thừa pháo nổ ở nhiều nơi, đua nhau cùng tiếng pháo hoa do chính quyền tổ chức cho người dân thưởng lãm. Nhiều người đã từ chối rượu bia vì còn phải lái xe là bình thường, nhưng pháo nổ khắp nơi là bất thường.
Trong những ngày xuân vừa qua, sau những tin nhắn chúc xuân rộn rã, rất nhiều người đã hỏi nhau: "Chỗ bạn người ta có đốt pháo không?" - cả pháo hoa và pháo nổ - như một câu hỏi mà có thể dự đoán có câu trả lời bất thường hơn những mùa xuân đã qua. 
Thậm chí có người còn viết trên Facebook: "Thằng bạn ở quê điện vô chúc tết rồi hỏi trong nớ mấy điểm bắn pháo hoa, mình nói cả tỉnh có 4 điểm. Nó nói tỉnh bơ thua ngoài mình, riêng huyện ta có cỡ hàng ngàn điểm"...
Với bia rượu, có thể nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt khắp nơi không chỉ ở con số thống kê về tai nạn giao thông. Ngay TP.HCM, trong những ngày tết không có trường hợp tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu. 
Ngày tết, mọi người chừng mực hơn khi nâng ly, dặn dò, nhắc nhở nhau "ai chở về". Trước tết, thông tin trên báo chí cũng cho thấy lượng bia rượu được mua - bán giảm hẳn so với dịp tết những năm trước.
Từ thực tế về pháo và bia rượu nêu trên, phải chăng đang có tình trạng "lờn" với nghị định 36 về quản lý, sử dụng pháo 10 năm trước (2009) và xa hơn là chỉ thị 406 năm 1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo (có hiệu lực từ 1-1-1995), trong khi "sợ khiếp vía" với nghị định 100 có quy định xử phạt nồng độ cồn khi lái xe còn nóng hổi?
Một nếp sống kỷ cương "không có tiếng pháo" đã trở thành văn hóa có sức sống đã 1/4 thế kỷ lẽ nào đang bị mai một? Hay những quy định xử phạt từ năm 1994, 2009 đến nay đã trở nên "khá nhẹ"? 
Hoặc chuyện bắt quả tang việc tàng trữ, buôn bán và đốt pháo khó hơn việc kiểm tra nồng độ cồn? Cũng có thể mức xử phạt về hành vi đốt pháo đã "nhẹ tênh" với mức thu nhập và cuộc sống hiện tại, ngược lại mức phạt nồng độ cồn quá đủ sức răn đe khiến "ai cũng phải sợ"?
Dù câu trả lời thế nào cũng cho thấy chúng ta không thể coi nhẹ tiếng pháo nổ, bởi điều đó cho thấy các chế tài về pháo không còn phù hợp.
Pháo nổ, cũng đừng trách chính quyền buông lỏng quản lý. Bởi chẳng chính quyền nào "đủ tai, đủ mắt" để ngăn cản người đốt pháo. Khi pháo đã nổ, chính quyền chỉ có thể xử lý người đốt pháo. 
Vì vậy, bên cạnh xử thật nghiêm những người kinh doanh pháo lậu, cũng cần phải điều chỉnh các quy định xử phạt người đốt pháo. Nếu chậm điều chỉnh, có thể một ngày không xa nếp sống văn hóa "cuộc sống không tiếng pháo" mà mọi người đều tán đồng sẽ bị "đổ vỡ". 
Bài học từ việc phạt nghiêm khắc người uống rượu bia khi lái xe có thể sẽ giúp cho những ngày tết không có tiếng pháo, cho thói quen không đốt pháo mãi duy trì với mọi người, để không còn phải "lại nhắc đến pháo!".
Phúc Nguyên (TTO)

Có thể bạn quan tâm