Cục Thể dục Thể thao (Bộ VH-TT-DL) đã vào cuộc quyết liệt, vụ việc đang được xử lý, nhưng đây không chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” mà còn đặt ra nhiều vấn đề lớn cho những nhà quản lý.
Đầu tiên, thể thao Việt Nam bắt buộc phải rà soát lại toàn bộ chương trình, kế hoạch tập huấn, cũng như các chế độ bồi dưỡng, bữa ăn cho huấn luyện viên và vận động viên tham gia tập trung. Trên thực tế, ngân sách dành cho chế độ dinh dưỡng của vận động viên hiện không thấp, nhưng cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cao nhất.
Chúng ta vẫn đang vận động thêm xã hội hóa, chủ yếu nhằm nâng cao đời sống của vận động viên, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày, để họ chuyên tâm tập luyện. Chính vì vậy, công tác giám sát của ngành thể thao là vô cùng quan trọng, vừa giúp các vận động viên đầy đủ dinh dưỡng, vừa khẳng định tính ưu việt trong chính sách chăm lo vận động viên của Nhà nước ta.
Kế đến, theo lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao, trong chiến lược phát triển mới của ngành thể dục thể thao đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt, vấn đề quản trị nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực được chú trọng đặc biệt. Chúng ta chưa phải là một nền thể thao hàng đầu châu lục, cũng chưa có yếu tố chuyên nghiệp thực sự bền vững, chặng đường vươn đến tầm vóc châu Á, tầm vóc thế giới vẫn còn rất xa nên từng bộ phận cấu thành nền thể thao đều phải ở tư thế nỗ lực vượt khó.
Thể thao Việt Nam muốn mạnh, thì trước tiên phải sạch. Phụ huynh không thể trao gởi con em mình, khán giả không thể đến sân, nếu như họ không có niềm tin vào sự trong sạch và phẩm chất đạo đức của người thầy, nhà quản lý, tổ chức. Càng ở cấp độ đội trẻ, tuyển U thì yếu tố sạch - trung thực - đạo đức càng cần phải được nêu cao, tuân thủ và giám sát chặt chẽ.
Đặt vấn đề cần một cơ chế tối ưu quản trị nguồn nhân lực và tài chính trong thể thao lúc này là hoàn toàn đúng đắn. Không có cơ chế quản trị này, đừng nói đến các thế hệ vận động viên tài năng sẽ nối tiếp nhau, càng không thể bàn đến việc xây dựng cơ sở vật chất đẳng cấp hay tổ chức sự kiện nhà nghề, chuyên nghiệp.
Nhưng từ vụ việc ăn chặn tiền ăn của vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cũng cho thấy một thực tế mà các nhà nhà quản lý, lập chiến lược cần nghiêm túc nhìn nhận, đó là làm thể thao sạch là chuyện nói thì dễ nhưng thực hiện lại không đơn giản.
Không thể cứ hô khẩu hiệu, cố gắng thúc đẩy sự phát triển ở phần đỉnh cao, nâng cao tính chuyên nghiệp ở đẳng cấp đội tuyển quốc gia mà lại sơ sài, qua loa, lỏng lẻo ở các phần việc nhỏ trong khâu đào tạo, huấn luyện cơ bản, chọn lựa huấn luyện viên.
Không thể một đằng nỗ lực vận động tài trợ, thúc đẩy xã hội hóa để thu hút các nguồn lực xã hội hỗ trợ thể thao, nhưng điều đơn giản nhất và cơ bản nhất là bài toán thu chi trong khẩu phần ăn mỗi ngày của vận động viên lại không quản lý được.
Nếu không soát xét kỹ tình hình và chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, chỉ đạo tập huấn các đội tuyển nói chung thì lỗ mọt tưởng chừng bé nhỏ ấy ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia có thể lây lan, xảy ra ở hàng chục, hàng trăm nơi khác của ngành, ảnh hưởng đến “thành trì” thể thao đỉnh cao mà chúng ta vất vả gầy dựng.