Tại báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành bộ tiêu chí xuất xứ xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam còn tồn tại không ít khó khăn. Đặc biệt, việc xác định nguồn gốc, xuất xứ của linh kiện, nguyên liệu không dễ dàng và tốn kém.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ xác định rõ lộ trình phù hợp ban hành quy định về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”. Tại sao để xây dựng một bộ quy chuẩn lại khó khăn đến thế, trong khi năm 2018, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép chủ trì xây dựng quy định “sản xuất tại Việt Nam”!
Sau một số vướng mắc, tháng 5-2022, Chính phủ đồng ý cho Bộ Công thương xây dựng quy định vấn đề này ở cấp thông tư. Đóng góp vào dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung trong thông tư vượt quá thẩm quyền ban hành của Bộ Công thương.
Mặt khác, việc ban hành thông tư với nội dung quy định quản lý về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” chặt chẽ hơn khuôn khổ pháp lý hiện có đối với hàng hóa lưu thông trong nước, có thể vấp phải phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” trên hàng hóa của mình, nhưng theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quy định “xuất xứ hàng hóa” là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.
Trong khi đó, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hay hộ kinh doanh cá thể, thì việc xác định mã HS (mã số để phân loại hàng hóa được buôn bán trên phạm vi toàn thế giới của Tổ chức Hải quan thế giới), hay tính toán hàm lượng giá trị của từng nguyên liệu trong sản phẩm để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định tại dự thảo thông tư sẽ là thách thức lớn…
Rõ ràng, cho dù khó nhưng không thể không làm. Các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau, giải quyết những vướng mắc để khẩn trương ban hành tiêu chí dán nhãn “Made in Vietnam”.