Tin tức

Lần đầu ghép tim lợn biến đổi gene cho bệnh nhân ở Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các bác sĩ Mỹ đã cấy ghép một quả tim lợn vào một bệnh nhân trong nỗ lực cuối cùng để cứu sống người bệnh.
Lần đầu tiên, Mỹ ghép tim lợn cho một bệnh nhân. Ảnh: Trường y Đại học Maryland
Lần đầu tiên, Mỹ ghép tim lợn cho một bệnh nhân. Ảnh: Trường y Đại học Maryland
Bệnh viện ở Maryland thông tin ngày 10.1 rằng bệnh nhân đang tiến triển tốt 3 ngày sau cuộc phẫu thuật. Các bác sĩ Trung tâm Y tế Đại học Maryland cho biết, ca cấy ghép cho thấy quả tim từ động vật biến đổi gene có thể hoạt động trong cơ thể người mà không bị đào thải ngay lập tức. 
Bệnh nhân là David Bennett, 57 tuổi, ở Maryland. Ông biết rằng không có gì đảm bảo thử nghiệm sẽ thành công nhưng ông sắp qua đời, không đủ điều kiện để cấy ghép tim người và không còn lựa chọn nào khác - con trai ông chia sẻ với AP. 
“Hoặc là chết hoặc thực hiện cuộc cấy ghép này. Tôi muốn sống. Tôi biết là không có gì chắc chắn nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi” - ông Bennett cho biết một ngày trước ca phẫu thuật. 
 
Bệnh nhân được ghép tim lợn biến đổi gene. Ảnh: Trường y Đại học Maryland
Bệnh nhân được ghép tim lợn biến đổi gene. Ảnh: Trường y Đại học Maryland
Điểm khác biệt trong lần cấy ghép là các bác sĩ phẫu thuật ở Maryland đã sử dụng một quả tim từ một con lợn đã trải qua quá trình chỉnh sửa gene để loại bỏ một loại đường trong tế bào vốn là nguyên nhân gây đào thải nội tạng khi cấy ghép.
Một số công ty công nghệ sinh học đang phát triển nội tạng lợn để cấy ghép cho người và quả tim được sử dụng cho hoạt động cấy ghép này được lấy từ Revivicor, một công ty con của United Therapeutics. 
AP nhấn mạnh, dù còn quá sớm để biết ca phẫu thuật có thực sự hiệu quả không, nhưng đánh dấu một bước trong hành trình kéo dài hàng thập kỷ đến một ngày sử dụng nội tạng động vật để cấy ghép. 
Đến ngày 10.1, ông Bennett đã tự thở được nhưng vẫn được kết nối với máy tim phổi để giúp quả tim mới ổn định. Vài tuần tới sẽ là giai đoạn rất quan trọng khi ông Bennett hồi phục sau cuộc phẫu thuật và các bác sĩ sẽ theo dõi kỹ tình trạng hoạt động của quả tim.
Việc thiếu nguồn hiến tạng khiến các nhà khoa học phải tìm kiếm cách sử dụng nội tạng động vật để thay thế. Năm 2021, có hơn 3.800 ca cấy ghép tim ở Mỹ và đây là con số kỷ lục, theo United Network for Organ Sharing, tổ chức giám sát hệ thống cấy ghép quốc gia.
HẢI ANH (LĐO)
https://laodong.vn/the-gioi/lan-dau-ghep-tim-lon-bien-doi-gene-cho-benh-nhan-o-my-993673.ldo

Có thể bạn quan tâm