Xã hội

Gia đình

Lan tỏa mô hình phụ nữ kết nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Thiện đã tập trung xây dựng mô hình kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh và chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số. Mô hình có sức lan tỏa rộng rãi, giúp chị em nâng cao nhận thức và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nhận thấy đời sống của chị em hội viên tổ dân phố 2 (thị trấn Phú Thiện) còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kiến thức và kỹ thuật trồng trọt, năm 2014, chị Đinh Thị Vui-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ tổ 8 (cùng thị trấn) đã đề nghị 2 đơn vị kết nghĩa để giúp đỡ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chị Vui cho hay: Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 8 có 225 hội viên, phụ nữ, đa phần có điều kiện kinh tế khá giả. Trong khi đó, chi hội tổ dân phố 2 có 116/175 hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều gia đình còn rất khó khăn. Từ khi kết nghĩa, chị em hội viên tổ 8 thường xuyên tổ chức thăm, hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm cho hội viên ở tổ 2. Chị em tổ 8 còn hỗ trợ hạt giống và hướng dẫn chị em đơn vị kết nghĩa làm vườn rau tại nhà để có nguồn rau sạch cải thiện bữa ăn hàng ngày và cung cấp ra thị trường, tạo nguồn thu nhập ổn định. Năm 2016, chi hội Phụ nữ tổ 8 triển khai mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” với mức đóng góp 5.000 đồng/hội viên/tháng giúp chị em DTTS tổ 2 phát triển kinh tế. Theo đó, từ số tiền quỹ 5 triệu đồng, nhiều hội viên tổ 2 đã được vay theo hình thức xoay vòng để tăng gia sản xuất.
Chị Rmah H’Nguyen (bìa trái; xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) vui mừng vì được chi hội Phụ nữ Điểm 9 tư vấn trồng giống lúa mới cho năng suất cao. Ảnh: V.C
Chị Rmah H’Nguyen (bìa trái; xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) vui mừng vì được chi hội Phụ nữ Điểm 9 tư vấn trồng giống lúa mới cho năng suất cao. Ảnh: V.C
Trước đây, bà Rcom H’Thu (tổ 2) nghe lời xúi giục của kẻ xấu đi theo “Tin lành Đê ga”. Sau khi chấp hành án tù trở về, bà H’Thu đối diện với hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có ruộng nương canh tác. Thấy vậy, chi hội Phụ nữ tổ 8 đã vận động quyên góp quỹ cũng như kêu gọi Mạnh Thường Quân ủng hộ được 30 triệu đồng. Cùng với đó, bà H’Thu được tạo điều kiện vay thêm 20 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội LHPN thị trấn để làm chuồng trại chăn nuôi heo rừng lai. Từ 5 con heo ban đầu, đàn heo của gia đình bà giờ đã lên tới hơn 20 con, mang lại thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Kinh tế ổn định, năm 2019, bà H’Thu tặng lại 2 con heo cho 2 hội viên khó khăn để làm vốn phát triển kinh tế.
Hội LHPN xã Ia Hiao cũng triển khai rất hiệu quả mô hình phụ nữ người Kinh giúp đỡ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế. Hiện tại, Hội đã thành lập được 4 mô hình kết nghĩa, tiêu biểu có mô hình kết nghĩa giữa chi hội Phụ nữ thôn Tân Phú với chi hội Phụ nữ buôn Mi Hoan, chi hội Phụ nữ Điểm 9 với chi hội Phụ nữ buôn Yơp. Chị Nay H’Oh-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho biết: Hoạt động thường xuyên được tổ chức giữa các chi hội kết nghĩa là đưa chị em đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Khi áp dụng thực tế, những chị em đã thành công sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu đầu mối tiêu thụ sản phẩm để hội viên yên tâm sản xuất.
Nhờ được chi hội phụ nữ người Kinh giúp đỡ, hiện nay hầu hết hội viên người DTTS đã có vườn rau sạch cải thiện bữa ăn hằng ngày.Ảnh: V.C
Nhờ được chi hội phụ nữ người Kinh giúp đỡ, hiện nay hầu hết hội viên người DTTS đã có vườn rau sạch cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ảnh: V.C
Để gây quỹ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế, chị em hội viên Điểm 9 và buôn Yơp tổ chức đổi công theo mùa vụ. Hội viên Điểm 9 hỗ trợ phụ nữ buôn Yơp về kỹ thuật, ngày công chăm sóc cây mì, cây lúa; đến mùa thu hoạch cây thuốc lá, chị em người Kinh lại nhờ chị em DTTS trợ giúp. Việc đổi công giúp tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Thù lao trả công thu hoạch cho chị em DTTS sẽ được bỏ heo đất gây quỹ nhằm giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Trước đây, chị Rmah H’Nguyen (buôn Yơp) thuộc diện hộ nghèo. Được chị em phụ nữ Điểm 9 hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chọn giống, kỹ thuật gieo sạ lúa, chị H’Nguyen đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp năng suất lúa tăng vượt trội. “Nếu như trước đây, 1 ha lúa chỉ cho thu hoạch trên 6 tấn thì bây giờ thu được gần 8 tấn. Nhờ có chị em phụ nữ người Kinh giúp đỡ mà gia đình tôi đã thoát nghèo”-chị H’Nguyen phấn khởi nói.

Bà Phạm Thị Tám-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện: “Hiện nay, 10 xã, thị trấn trong huyện đều triển khai rất tốt mô hình “Phụ nữ người Kinh giúp phụ nữ DTTS phát triển kinh tế”. Hiệu quả rõ nhất từ mô hình này là hầu hết các hội viên phụ nữ DTTS đều đã có vườn rau sạch tại nhà; hội viên khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS”.

VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm