Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 sắp diễn ra, lãnh đạo ASEAN sẽ đặt vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Người phát ngôn của Bộ Lê Thị Thu Hằng tại họp báo - Ảnh BNG |
Chiều 23.6, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng. Do Covid-19, Hội nghị dự kiến diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 4 đã phải lùi thời điểm tổ chức đến 26.6 tới, và đã phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Ngoài các trụ cột trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, cùng đối phó Covid-19 và phục hồi kinh tế hậu Covid-19, Biển Đông cũng luôn là một vấn đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự của ASEAN.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về diễn biến phức tạp hiện nay trên Biển Đông và phản ứng của các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị cấp cao lần này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong các cuộc làm việc của các nước ASEAN đều có nội dung trao đổi về tình hình trong khu vực và thế giới.
“Khi đó, lãnh đạo ASEAN sẽ không lẩn tránh trao đổi về nội dung này. Nói cách khác, tất cả các vấn đề diễn ra trong thực tế sẽ được đặt lên bàn nghị sự của ASEAN”, ông Dũng cho biết.
Với câu hỏi khác về khả năng nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, nội dung này không được đặt ra dịp này.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, đáng tiếc là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, từ đầu năm 2020 đến nay chưa có cuộc họp nào về COC được tổ chức. Cuộc họp gần nhất là tháng 10 năm ngoái tại Đà Lạt, khi đó, các nước tham gia đã sẵn sàng bước vào vòng đàm phán văn bản dự thảo về COC.
Cũng theo Thứ trưởng Dũng, ngày 1.7 tới sẽ có cuộc họp cấp SOM (quan chức cấp cao) giữa ASEAN và Trung Quốc, tuy không phải về COC hay DOC, nhưng cũng là cơ hội để nhắc đến việc này, và tính đến việc khởi động lại đàm phán COC.
Trả lời câu hỏi của truyền thông về việc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tạo ra thách thức gì cho ASEAN, Thứ trưởng Dũng cho biết : Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, như Mỹ và Trung Quốc, ngày càng căng thẳng, thể hiện ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác nhau và tạo nên sự căng thẳng chung cho cả thế giới, gây khó khăn trong ứng xử với tất cả các nước. Đó cũng là 1 thách thức với ASEAN.
Cạnh tranh nước lớn cũng đặt ra vấn đề chia rẽ quan điểm, đặt ra nguy cơ các nước có thể phải chọn bên. ASEAN đã thống nhất sẽ không chọn bên mà chọn lợi ích của ASEAN. Với quan điểm như vậy, ASEAN có lập trường riêng với các vấn đề, ó tài liệu giới thiệu về lập trường quan điểm này. Đó là cách ASEAN giữ vai trò trung tâm của mình. Tinh thần đó sẽ tiếp tục được giữ trong hội nghị này cũng như hội nghị 37 tới.
|
Theo Vũ Hân (thanhnien)