Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa gửi văn bản đến Bộ Công Thương, kiến nghị có biện pháp đối với tình trạng nhập khẩu đường ồ ạt trong thời gian qua, nhằm cứu ngành sản xuất đường trong nước.
Theo VSSA, cả nước hiện có 29 nhà máy hoạt động, sản lượng đường sản xuất năm nay là 913.397 tấn, giảm 405.979 tấn, tương đương 34,58% so với vụ trước. Nguyên do chính là đường nhập khẩu tăng nhanh theo những cam kết từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). VSSA không lường trước được tình hình và dự báo sai nhu cầu thị trường.
Cũng giống như nhiều ngành khác khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, ngành mía đường cũng thấm đòn và kêu cứu. Ai cũng biết các hiệp định thương mại là cuộc chơi toàn cầu, thuận lợi sẽ đi đôi với khó khăn và tự doanh nghiệp (DN) phải lớn mạnh để tham gia cuộc chơi. DN không thể dựa mãi vào chính sách ưu đãi từ nhà nước, lợi thế "sân nhà" và có thể độc quyền giá thu mua nguyên liệu. Những năm qua, các DN mía đường cũng thường lên tiếng kêu, lúc thì vùng nguyên liệu giảm, lúc thì giá đường của các nước lân cận quá thấp, lúc thì đường nhập lậu nhiều… Dù kêu ca nhưng không ít DN vẫn tăng năng lực sản xuất, chia cổ tức rủng rỉnh và giá cổ phiếu luôn nóng.
Các hiệp định thương mại được đàm phán, ký kết và luôn có lộ trình đến thời điểm thực hiện. Từ năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chiến lược phát triển ngành mía đường. Đến năm 2007, Thủ tướng có Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 quy định cụ thể từ phát triển vùng nguyên liệu, cải tạo chính sách, đầu tư thủy lợi, vốn liếng, cây giống… Thế nhưng đến nay, DN Việt vẫn còn ì ạch với thị trường trong nước thì nói gì đến chinh phục thị trường quốc tế.
Ngành gạo cũng tương tự, lúc lợi thế hầu như một mình một chợ, rủng rỉnh tiền lãi mà chẳng lo xa. Đến khi hàng loạt quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia… đầu tư vào nông nghiệp, nâng chất lượng hạt gạo thì chúng ta đã bị bỏ xa và không có sức cạnh tranh với họ. Hạt gạo Việt Nam bị soán ngôi sau 20 năm không nâng được chất lượng khi ra đến nước ngoài.
Là quốc gia xuất phát từ nông nghiệp và phần lớn dân cư sống bằng nghề nông như nước ta, những ngành kinh doanh gắn liền với nông nghiệp có vị thế cực kỳ quan trọng. Ngoài mục tiêu kinh tế, những ngành này còn có vai trò ổn định xã hội vì tạo được việc làm ở nông thôn và thúc đẩy ngành sản xuất nguyên liệu. Thế nhưng nghịch lý cũng ở chỗ này, người nông dân hầu như chẳng mấy khi có được lợi nhuận lớn nhất từ nguyên liệu mình sản xuất mà thường rơi vào tay DN sản xuất, kinh doanh. Nông dân vẫn chưa giàu, thậm chí còn nghèo khổ trên cánh đồng là câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều năm qua.
Thiếu sự vững chắc về kinh tế, không ổn định về nghề nghiệp nên nhiều người dân nông thôn dễ bị tổn thương khi có sự cố về tự nhiên hay xã hội. Một mùa dịch bệnh họ có thể đã mất hết tích lũy, một mùa mưa bão họ mất cả tài sản và tư liệu sản xuất. Giấc mơ nông dân giàu trên mảnh đất của mình vẫn còn rất xa nếu những ngành kinh doanh liên quan không lớn nổi.
Theo HỒ PHI (NLĐO)