Tin tức

LHQ hối thúc các nước ASEAN phê chuẩn Hiệp định khí hậu Paris

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao nước chủ nhà Lào, là một trong những quốc gia đầu tiên của ASEAN sớm phê chuẩn Hiệp định Paris.
 

Tổng thống Mỹ Barack Obama (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) bắt tay Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại lễ trao các văn kiện phê chuẩn Hiệp định Paris.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) bắt tay Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại lễ trao các văn kiện phê chuẩn Hiệp định Paris.

Ông nói: “Tôi mong các nước trong khối phê chuẩn Hiệp định về biến đổi khí hậu càng sớm càng tốt, tốt nhất là cuối năm nay. Tôi đánh giá cao Chính phủ của Thủ tướng Lào Sisoulith đã trao cho tôi những văn kiện phê chuẩn Hiệp định Paris. Lào là quốc gia đầu tiên trong ASEAN gửi tới Liên hợp quốc những tai liệu chính thức đó. Tôi hy vọng những nước khác cũng làm theo, cùng hành động chống biến đổi khí hậu. Đến nay đã có 27 quốc gia, chiếm 39% tỷ lệ khí phát thải nhà kính phê chuẩn thỏa thuận. Chúng ta cần nhiều sự thông qua hơn nữa để Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực”.

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra tại Paris, Pháp hồi tháng 12 năm ngoái. Theo đó, gần 200 nước tham gia cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiệp định Paris sẽ có hiệu lực sau khi ít nhất 55 quốc gia, chiếm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, cùng ký kết và phê chuẩn. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Hàng Châu (3/9), Mỹ và Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu. Đây là hai quốc gia chiếm gần 40% lượng khí thải carbon trên toàn thế giới.

Giới chuyên gia nhận định, ngay cả khi tất cả các quốc gia cùng phê chuẩn Hiệp định Paris thì thế giới cũng khó có thể đạt được mục tiêu đề ra trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bởi tốc độ phát triển công nghiệp chóng mặt hiện nay. Cơ quan thời tiết Liên hợp quốc mới đây cũng cảnh báo  năm 2016 tiếp tục phá kỷ lục là năm nóng nhất lịch sử.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm