Tin tức

LHQ: Tưởng niệm các nạn nhân Do Thái bị tàn sát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhân Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân Do Thái bị phátxít Đức tàn sát trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ngày 27-1, Đại Hội đồng Liên hợp quốc tổ chức lễ tưởng niệm tại trụ sở ở thành phố New York, Mỹ.

Lễ tưởng niệm bắt đầu với một phút mặc niệm. Những chiếc ghế tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc mà các nhà lãnh đạo thế giới và phái đoàn các nước thường ngồi dự họp đã được dành cho thân nhân các nạn nhân bị tàn sát.

Khu vực tưởng niệm những người Do Thái đã mất trong thế chiến 2 tại thủ đô Berlin,Đức.
Khu vực tưởng niệm những người Do Thái đã mất trong thế chiến 2 tại thủ đô Berlin,Đức.

Trong đoạn băng hình đọc thông điệp “Trẻ em và Nạn diệt chủng” của buổi lễ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ những đối tượng dễ bị diệt chủng nhất, bất kể sắc tộc, màu da, giới tính và tín ngưỡng.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, trẻ em là đối tượng dễ bị tấn công nhất trước bất kỳ hành động tàn sát nào. Vì vậy, thế giới cần đảm bảo để các em được hưởng những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

Đại diện của Israel tại Liên hợp quốc đã giới thiệu một bức tranh của Petr Ginz, một thiếu niên người Tiệp Khắc trước đây bị giết hại tại trại tập trung Auschwitz lúc em 16 tuổi. Bức tranh mô tả Trái Đất nhìn từ Mặt Trăng, được vẽ rất nhiều năm trước khi các khi các phi hành gia đặt chân lên thiên thể này.

Với bức tranh này, đại diện của Israel muốn phát đi thông điệp rằng, nhiều ý tưởng và sự sáng tạo đã bị hủy hoại vì cuộc diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại nói trên.

Tại Ba Lan, các nạn nhân sống sót sau thảm họa tàn sát người Do Thái đã cùng với giới chức Israel và giới chức nước chủ nhà tổ chức lễ kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng trại Auschwitz-Birkenau của Đức Quốc xã tại nơi hơn một ttiệu người, chủ yếu là người Do Thái ở châu Âu, đã bị giết hại.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cho rằng, trại tập trung Auschwitz-Birkenau vẫn là vết thương tinh thần đối với châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Những người tham gia lễ kỷ niệm cũng dành một phút tưởng niệm Kazmierz Smolen, một nạn nhân sống sót từng góp công thành lập và điều hành đài tưởng niệm và nhà bảo tàng tại trại này nhưng vừa qua đời đúng ngày tổ chức lễ kỷ niệm.

Tại Mỹ, Tổng thống nước này Barak Obama cùng đối thủ tranh cử Mitt Romney tham dự các buổi lễ tưởng niệm nạn nhân người Do thái. Ông Obama cam kết chống lại những kẻ có hành vi tàn bạo thời hiện đại và sự tái hiện của chủ nghĩa bài Do Thái.

Đêm trước ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân người Do Thái năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia Hồi giáo đầu tiên phát sóng trên toàn quốc bộ phim tài liệu "Shoah" của các nhà làm phim Pháp được dựng năm 1985 về thảm họa tàn sát người Do Thái nói trên.

Ước tính có khoảng 6 triệu người Do Thái đã bị giết hại trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong đó có 1,5 triệu trẻ em.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm