Chỉ huy lực lượng liên quân Mỹ và NATO, tướng Stanley McChrystal vừa gửi lời xin lỗi đến người dân Afghanistan, sau khi để xảy ra vụ không kích tại tỉnh Uruzgan, làm 27 thường dân thiệt mạng. Đây là lần thứ hai trong vòng 9 ngày, Mỹ và NATO đã phải xin lỗi Afghanistan vì những vụ không kích nhằm vào dân thường.
Trước đó, vào ngày 14-2, hai quả rocket của Mỹ đã làm sập một ngôi nhà ở Marjah, làm 12 người thiệt mạng, trong đó 6 trẻ em. Hãng tin AP cho biết, vụ tấn công nhầm vào ngày 21-2 vừa qua có số người thiệt mạng cao nhất trong nửa năm qua. Vào tháng 9-2009, trong một vụ không kích của Mỹ và NATO vào Afghanistan, đã có 40 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Vụ việc mới nhất này một lần nữa làm dấy lên sự phẫn nộ của người dân Afghanistan vốn là nạn nhân của nhiều vụ tấn công “nhầm” của quân Mỹ và NATO cũng như trong các cuộc giao tranh của lực lượng này với Taliban.
Theo thống kê của LHQ, với 2.412 người dân thiệt mạng, năm 2009 đã trở thành năm chết chóc nhất đối với dân thường Afghanistan kể từ năm 2001, trong đó lực lượng quân đội nước ngoài và quân chính phủ là thủ phạm gây ra cái chết của 25% số người nói trên.
Một vụ không kích nhầm của lực lượng Mỹ và NATO tại tỉnh Kunduz vào tháng 4-2009 làm nhiều dân thường chết và bị thương. |
Những thương vong liên tiếp xảy ra cho người dân Afghanistan đã gây ra bất đồng giữa chính phủ và các lực lượng nước ngoài, vốn đã phát động hai chiến dịch lớn trong 8 tháng qua để dập tắt tình trạng nổi dậy đang ngày càng gia tăng của phe Taliban.
Tổng thống Karzai đã nhiều lần lưu ý với tướng Mỹ McChrystal rằng, “yếu tố quan trọng nhất của nhiệm vụ” là bảo vệ người dân Afghanistan nhưng cho đến nay Mỹ và NATO vẫn chưa thể thực hiện được.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và NATO, Mike Mullen, đã phải lên tiếng thừa nhận cuộc chiến tại Afghanistan đang trở nên lộn xộn và cực kỳ tốn kém. Đã có 1.000 lính Mỹ thiệt mạng tại chiến trường này.
Dư luận lo ngại những vụ không kích nhầm có thể làm suy yếu những nỗ lực của Chính phủ Afghanistan và NATO nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong kế hoạch giành quyền kiểm soát các thành lũy của Taliban và giao cho chính quyền nước này trước khi quân đội Mỹ bắt đầu rút quân dần trong năm 2011.
Trong bối cảnh đó, Taliban có thể câu kết với các phần tử chống đối tiến hành các vụ tấn công bạo lực đẫm máu nhằm vào quân đội của chính phủ và lực lượng liên quân. Nếu thế, Nhà Trắng càng khó có thể thay đổi cục diện chiến trường tại quốc gia này.
Theo SGGP