Cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực y tế thời gian qua đã phải liên tục "điểm danh" một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 các mũi bổ sung và nhắc lại.
Sở dĩ như vậy là vì số lượng tiêm các mũi vắc-xin rất quan trọng để duy trì khả năng đề kháng của cơ thể trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với nguy cơ khó lường. Theo Bộ Y tế, với mũi vắc-xin thứ 3 (mũi bổ sung) cho người trên 18 tuổi, đến nay cả nước đã tiêm hơn 46,6 triệu mũi (đạt 69,6%); trong đó 5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm mũi 3 thấp là: Hậu Giang (36,7%), Hải Phòng (43,6%), Đồng Nai (44,6%), Quảng Nam (45,4%), Bình Thuận (48,2%). Với vắc-xin tiêm nhắc - mũi 4, cả nước đã tiêm hơn 6 triệu mũi (đạt 30%); trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ tiêm nhắc thấp là: Phú Yên (3,2%), Bắc Kạn (3,7%), Quảng Bình (3,8%), Bình Định (5,9%), Đồng Nai (7,8%).
Riêng với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi thì tỉ lệ tiêm mũi 3 còn khá thấp, chỉ đạt 15,4%; trong đó có 25 tỉnh, thành dưới 10%.
Việc tiêm các mũi 3 và 4 chưa đạt mức yêu cầu đã gây ra những quan ngại ngày càng lớn. Sự quan ngại này tỉ lệ thuận với mức độ diễn biến ngày càng khó lường của dịch Covid-19 trong khu vực. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số ca mắc Covid-19 ở khu vực Tây Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam) tăng 28% so với tuần trước. Trong đó, số ca ghi nhận tăng "dựng đứng" ở Nhật Bản (tăng 98%), Hàn Quốc (tăng 92%)...
Bộ Y tế cho rằng dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron - những biến thể có tỉ lệ lây lan nhanh nhất hiện nay của virus SARS-CoV-2. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc song cả 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 đã được ghi nhận xuất hiện trong cộng đồng. Điều đó khiến dịch bệnh có thể tái bùng phát nếu "tấm lá chắn" phòng chống kém hữu hiệu. Vắc-xin phòng Covid-19 cho tới lúc này vẫn chứng tỏ là thứ vũ khí quyết định để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.
Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm vắc-xin các mũi 3 và 4 chưa đạt mức yêu cầu. Trong đó, quan trọng hàng đầu là xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của không ít người dân.
Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tại phiên họp gần nhất của ban chỉ đạo đã một lần nữa nhắc lại "bài học xương máu" chưa tiếp cận được vắc-xin khi dịch bệnh diễn biến phức tạp cách đây 1 năm. Hẳn không mấy người trong chúng ta quên những ngày tháng mà hàng chục tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16, khi mà số người nhiễm và đặc biệt là số trở nặng, nguy kịch, tử vong tăng rất cao.
Nếu lơ là, chủ quan với đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, không tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để tạo "tấm lá chắn" hiệu quả cho chính mình, cho gia đình và cộng đồng thì chúng ta có nguy cơ trở tay không kịp, phải trả giá đắt - mà "bài học xương máu" cách đây 1 năm đã cho thấy.
Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)