Tin tức

Lo Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, ASEAN gấp rút "móc hầu bao" cho quân sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á khiến các nước thành viên ASEAN phải có cái nhìn mới về năng lực an ninh tập thể cũng như đẩy mạnh "móc hầu bao" chi tiêu quân sự.
Theo báo Asia Ssentinel của Hong Kong, nhà phân tích địa chính trị Bahauddin Foizee cho rằng hoạt động tăng cường của quân đội Trung Quốc ở Đông Nam Á khiến các nước ASEAN đẩy mạnh nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Ngay cả Singapore cũng nhanh chóng cho nâng cấp các lực lượng vũ trang mà chủ yếu là lực lượng hải quân và không quân.
 
Hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông khiến các nước ASEAN đẩy mạnh chi tiêu quân sự. (Ảnh: Asia Ssentinel)
Trong 15 năm qua, chi tiêu quốc phòng của các nước nằm trong khối ASEAN cũng đã tăng lên gấp đôi. Trong đó, chia sẻ trên East Asia Forum, ông Felix Heiduk tại Viện Các vấn đề An ninh và quốc tế của Đức từng cho biết, Thái Lan và Indonesia đã tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 10% mỗi năm.
Ông Heiduk nhấn mạnh, “chi tiêu quốc phòng trong khu vực Đông Nam Á đang trải qua thời kỳ tái định hướng chiến lược từ chủ yếu chống lại các cuộc nổi dậy và bình ổn trong nước chuyển sang phòng thủ bên ngoài, triển khai lực lượng và chiến tranh truyền thống”.
Cũng theo ông Heiduk, nguyên nhân xuất phát từ sự bất ổn ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á do Trung Quốc trỗi dậy cùng với cuộc cạnh tranh địa chiến lược từ Mỹ - Trung.
Do đó, một số nước thành viên ASEAN còn có ý định thành lập liên minh an ninh nhằm đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc, quốc gia đang sở hữu lực lượng quân sự lớn nhất trong khu vực. 
Dưới thời của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đẩy mạnh hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý trên Biển Đông thông qua hành động cải tạo và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo cũng như tiến hành quân sự hóa trên những thực thể này.
Điều đáng nói, quan hệ Trung Quốc – Philippines từng rơi vào vòng xoáy căng thẳng trong nhiều năm liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống Philippines vào năm 2016, ông Rodrigo Duterte đã nhanh chóng thi hành chính sách “xoay trục sang Trung Quốc” nhằm thu hút hàng tỷ USD từ phía chính quyền Bắc Kinh để phục vụ chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.
Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Philippines đang ấm dần lên, dư luận Philippines đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Manila quên đi vấn đề khẳng định chủ quyền ở Biển Đông trước sự hung hăng và bành trướng từ phía Trung Quốc. Để xoa dịu dư luận, chính quyền của Tổng thống Duterte đã không ít lần gửi công hàm cho phía Trung Quốc nhưng việc làm này dường như không có tác dụng.
Trong thời gian qua, một trong những "động thái bất thường" của ASEAN được cho là nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc chính là cuộc diễn tập hàng hải kéo dài 5 ngày giữa hải quân Mỹ với 10 nước thành viên ASEAN hồi tháng Chín. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 8 chiến hạm, 4 máy bay và hơn 1.000 quân nhân. Dưới sự chỉ huy chung của hải quân Mỹ và Thái Lan, cuộc diễn tập được tổ chức “trên những vùng biển quốc tế” bao gồm vịnh Thái Lan và Biển Đông trước khi kết thúc tại Singapore.
Song trên thực tế, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ý nghi ngờ ASEAN sẽ tiến tới thành lập một liên minh an ninh để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thành lập liên minh an ninh giữa một số quốc gia thành viên ASEAN với các nước ngoài khối ASEAN như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, vẫn còn thể xảy ra.  
Điều đáng nói, hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông được chính quyền Bắc Kinh tính toán một cách cẩn trọng để tránh xảy ra tình trạng đối đầu quân sự giữa các bên có cùng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển chiến lược. Và qua thời gian, Trung Quốc dần dần mở rộng mạng lưới kiểm soát ở Biển Đông.
Trong khi đó, theo ông Foizee, các nước thành viên ASEAN nhận ra rằng, họ không có đủ năng lực quân sự để thách thức quân đội Trung Quốc. Do đó, các nước ASEAN hướng tới tập trung tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang. Điều này càng khiến Trung Quốc có động lực phát triển năng lực quân đội cũng như sản xuất thêm các loại vũ khí tối tân để đề phòng trường hợp bùng nổ xung đột quân sự.
Cũng theo ông Foizee, giới lãnh đạo Trung Quốc thừa biết rằng kế hoạch nâng cấp và hiện đại hóa quân đội của từng nước thành viên ASEAN là không đủ khiến Bắc Kinh phải quan ngại. Song Trung Quốc cho rằng, nếu như lực lượng vũ trang của các nước thành viên ASEAN liên thủ, sức tấn công sẽ rất mạnh.
Cụ thể, một mình hải quân Singapore không thể bảo vệ đảo quốc này khỏi mối đe dọa tấn công từ hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, một khi hải quân Singapore liên thủ với các nước thành viên ASEAN hay lực lượng hải quân các nước ngoài khối ASEAN như Australia, Ấn Độ, Indonesia và Mỹ, sức mạnh sẽ rất lớn. Đây cũng là thực tế mà lực lượng hải quân và các lực lượng vũ trang của ASEAN đang có kế hoạch hướng tới triển khai, ông Foizee kết luận. 
Minh Thu (Infonet/lược dịch)

Có thể bạn quan tâm