Multimedia

Emagazine

E-magazine “Lộc trời” vùng biên



Tầm 3 giờ sáng, chị Trần Thị Kim Phương (tổ 4, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) lại len lỏi giữa các vườn điều, cao su ở xã Ia Kriêng để tìm nấm mối. Chị cho hay: Mùa mưa năm nay, nấm mối mọc nhiều hơn các năm trước. Trung bình mỗi ngày, chị tìm nhổ được 2-3 kg nấm, ngày trúng đậm thì được đến 10 kg. “Nấm mối được chia thành nhiều loại khác nhau. Nấm đinh được thương lái thu mua với giá 300-350 ngàn đồng/kg. Nấm búp thì rẻ hơn chừng 50 ngàn đồng/kg so với nấm đinh, còn nấm dù có giá khoảng 200 ngàn đồng/kg. Riêng nấm đã nở to thì thương lái ít thu mua, tôi mang ra chợ bán được khoảng 50-60 ngàn đồng/kg”-chị Phương nói.



Cũng theo chị Phương, nấm mối chỉ xuất hiện 1 lần trong năm, kéo dài hơn 1 tháng, sau những cơn mưa đầu mùa. Loại nấm này sinh trưởng, phát triển rất nhanh, chỉ cần trồi lên khỏi mặt đất tầm vài tiếng đồng hồ đã bắt đầu già. Thời điểm hái nấm tốt nhất là vào 3-5 giờ sáng, khi những tai nấm chưa nở bung, bởi giá trị dinh dưỡng cao hơn so với loại đã nở. Đây cũng là lý do khiến thương lái không thu gom nấm già. Chính vì được nhiều thương lái săn tìm nên năm nay có khá đông người dân địa phương đổ xô đi nhổ nấm mối. Do đó, nguồn thu từ việc hái nấm của chị cũng giảm so với năm trước.



Tương tự, chị Nguyễn Gấm (làng Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cho hay: “Trước đây, tôi đi tìm nấm mối chỉ nhổ được chừng 1-2 kg về đủ cho gia đình ăn. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, nấm mối xuất hiện nhiều nên tôi rao bán trên mạng xã hội, rồi có thương lái tìm đến đặt hàng. Mùa nấm năm nay, bình quân mỗi ngày, tôi kiếm được trên dưới 1 triệu đồng từ việc hái nấm. Ở chỗ tôi, cả làng đi nhổ nấm mối, có người thu nhập 2-3 triệu đồng/ngày. Năm nay, người mua nhiều nên chỉ cần ra khỏi rừng, rẫy là đã bán được nấm”.



Chị Trần Thị Yến (làng Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) chuyên thu mua nấm mối của người dân trên địa bàn huyện để xuất đi nơi khác. Chị cho biết: Từ đầu mùa mưa đến nay, chị đã thu mua trên 5 tạ nấm mối xuất đi Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh với giá 400 ngàn đồng/kg nấm đinh và 300 ngàn đồng/kg nấm búp.



Ở huyện Ia Grai, nhiều hộ dân cũng đang trúng mùa nấm mối năm nay. Chị Võ Thị Thư (thôn 1, xã Ia Tô) bộc bạch: Mùa nấm mối năm nay, chị tạm gác lại công việc để thu mua nấm về bán cho khách ở các tỉnh, thành phía Nam. Nấm mối đầu mùa xuất hiện rất nhiều ở các vườn điều, rẫy cà phê trong xã. Ngoài ra, tại xã Ia O, nấm cũng mọc rất nhiều. Đầu mùa mưa đến nay, chị đã mua gần 1 tạ nấm của các hộ dân. Trên địa bàn huyện có hàng chục người thu mua nấm mối như chị, ước thu cả tấn. “Khi đến các làng của xã Ia O thu mua nấm mối, mọi người tranh nhau dữ lắm. Phải gọi điện thoại cho các hộ quen để đặt hàng trước và đi thật sớm, canh tận cửa rừng chứ không người khác sẽ mua mất. Tôi thấy nhiều gia đình có ngày nhổ được 10 kg nấm, thu hơn 2,5 triệu đồng”chị Thư kể.



Theo ông Rơ Mah Klin-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tô: Có thể do trước đây, một phần do người dân sử dụng thuốc hóa học nhiều trong canh tác khiến mối không thể sinh sống dẫn tới không có nấm. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nhằm sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì vậy, nấm mối ngày càng mọc nhiều tại các khu vườn rẫy.



2 năm trở lại đây, vào đầu mùa mưa, nấm mối thường mọc ở triền đồi, trong vườn điều, cao su dọc khu vực suối Khôn (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông). Khi phát hiện có nấm mối, nhiều người dân trong xã cùng nhau đi nhổ nhưng cũng chỉ đủ ăn trong gia đình, không nhiều so với vùng Đức Cơ và Ia Grai.


Ông Bùi Văn Tiến-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho biết: Những năm gần đây, thay vì độc canh, nhiều hộ dân trong xã đã chọn xen canh nhiều loại cây để nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái. Việc canh tác của người dân cũng dần được thực hiện theo hướng hữu cơ. Nhiều vườn cây để cỏ mọc tự nhiên, tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các loại vi sinh vật có ích trong đất sinh sống. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các ổ mối sinh sản và phát triển. Có lẽ do vậy nên nấm mối mọc nhiều.



Theo chị Phương, những năm trước, khi đến mùa nấm mối thì mỗi sáng, tại chợ Đức Cơ có hàng chục người xếp thành 2 hàng dài bán nấm. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, hình ảnh này không còn nữa. Do lợi nhuận cao từ việc thu mua nấm mối nên ngày càng có nhiều người tham gia. Mỗi sáng, họ vào tận các làng, thậm chí còn đến cửa rừng để chờ thu gom nấm về sơ chế rồi xuất bán đi các tỉnh, thành. Giờ nếu ra chợ mua nấm mối có chăng chỉ còn loại nấm già. Mỗi mùa nấm mối, ngoài kiếm nấm để ăn, người dân ở đây cũng có thêm thu nhập đáng kể từ loại “lộc trời” này. Do nấm mối vùng Đức Cơ có hương vị ngọt, giòn và ngon hơn các vùng khác nên giá bán cũng cao hơn.



Huyện Đức Cơ hiện có gần 30 ngàn ha cao su, hơn 14 ngàn ha điều và trên 5,2 ngàn ha cà phê. Đây là môi trường lý tưởng để loài mối sinh sôi, phát triển, từ đó tạo ra loại nấm đặc sản cho vùng đất này. Theo người dân nơi đây, nấm mối xuất hiện hàng năm là do các ổ mối nằm sâu dưới đất tiết ra một chất meo, khi gặp thời tiết thích hợp, meo nấm sẽ phát triển thành nấm. Nấm mối là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.



Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Nấm mối thường mọc ở các bờ lô cao su, khu vực rừng có nhiều tầng tán hay những vườn rẫy được canh tác theo hướng hữu cơ. Qua các mùa, thảm thực vật mục dày thì nấm mối mọc rất nhiều. Đặc biệt, nhiều nhất là các rừng cao su, người dân có thể thu hoạch cả tạ nấm mỗi ngày. Ngoài ra, cũng có một số ít mọc ở các vườn cà phê, điều nếu các vườn cây này được người dân canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học. Với sản lượng nấm mối hàng năm khá lớn, huyện đã gửi mẫu vào Trường Đại học Bình Dương để nghiên cứu tạo ra phôi có thể trồng trong tự nhiên. Tuy nhiên, đến nay, huyện vẫn chưa nhận được kết quả.



“Đối với những vùng thường xuyên có nấm, hàng năm, phần lớn người dân đều đến để thu hái. Do vậy, chúng tôi thông tin đến người dân khi khai thác phải cẩn thận, tránh làm hư hại các bào tử để mùa sau nấm còn mọc lại. Còn với những vườn điều, cà phê thì định hướng người dân nên canh tác theo hướng hữu cơ để tạo điều kiện cho nấm mối mọc nhằm bảo tồn nguồn đặc sản của địa phương”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ khuyến cáo.


Có thể bạn quan tâm