Những vụ lừa đảo liên tiếp gần đây với số lượng nạn nhân lên tới hàng nghìn người cho thấy ngoài sự cả tin, tham lãi suất cao, mù mờ thông tin,... còn một nguyên nhân trực tiếp và quan trọng là người dân thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân
Dẫn chứng thuyết phục là các vụ giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát... nhằm chiếm đoạt tài sản. Chỉ bằng những cuộc điện thoại tự xưng là người thuộc cơ quan pháp luật, đưa nạn nhân vào "tầm ngắm" của tội nọ, tội kia rồi yêu cầu cung cấp thông tin, nộp tiền vào tài khoản... là bị hại răm rắp nghe theo, nộp hàng tỷ đồng vào tài khoản do những đối tượng này hướng dẫn.
Điều đáng ngạc nhiên là nạn nhân của trò lừa đảo này là những người kinh doanh, từng va vấp trên thương trường, có cả những người là cán bộ nhưng vẫn bị lừa.
Có nhiều người dân không hiểu rõ được chức năng của từng cơ quan pháp luật, xem những đơn thư của họ gửi thì thấy rõ điều đó. Những bình luận trên mạng xã hội thấy rõ sự lẫn lộn của người viết về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Nạn nhân bị lừa nhiều nhất và mất cũng nhiều nhất là trong lĩnh vực đầu tư và mua bán đất đai. Chỉ cần họ hiểu biết những kiến thức cơ bản về quản lý và sử dụng đất đai là có thể không dám liều mình mà bỏ ra một số tiền lớn đầu tư vào dự án "ma", dự án “chui”.
Gần đây, lợi dụng chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta về khởi nghiệp, một loạt những công ty thuộc loại hình khởi nghiệp ra đời và lôi kéo những người trẻ vào con đường phạm pháp như giả danh bác sỹ để bán thuốc hoặc bán hàng đa cấp trái phép.
Có trường hợp lập công ty giả, trụ sở giả, dụ người trẻ nộp tiền để có việc làm, hứa hẹn thu nhập cao, nhận tiền xong xóa hết dấu vết, nạn nhân tìm đến địa chỉ công ty thì không có gì ở đó cả. Nếu có kiến thức pháp luật phổ thông, các bạn trẻ sẽ không bao giờ sập bẫy kiểu lừa đảo này.
Những vụ đền bù đất đai đầy khuất tất, những vụ ăn chặn tiền chính sách, những vụ lập hồ sơ giả để thành đối tượng chính sách... có thể tồn tại và trở nên phổ biến một phần chính là do nhận thức pháp luật hạn chế của người dân. Họ bị lừa đảo, chiếm đoạt, thậm chí trở thành kẻ đồng lõa là do nguyên nhân này. Là nạn nhân nhưng lại là đồng phạm.
Bên cạnh vai trò thiết yếu là minh bạch thông tin từ phía chính quyền, cảnh báo rộng rãi từ cơ quan chức năng, phổ biến giáo dục pháp luật từ Nhà nước thì mỗi người dân phải tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết để không trở thành nạn nhân của sự lừa đảo.
Nhị Ngọc (PLVN)