Giám sát lời hứa là điều mà các cử tri luôn mong mỏi, không chỉ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bế mạc hôm qua.
Có những lời hứa “gió bay”, kéo dài từ kỳ họp trước sang kỳ họp sau, của các công trình đầu tư công treo từ năm này qua năm khác; hay những lời cam kết, khẳng định hạ lãi suất, không để thiếu nguồn cung xăng dầu, nhưng dân thì cứ chen nhau xếp hàng; lãi suất thì đang lao vào cuộc đua nóng…
Trước Quốc hội, HĐND các cấp cử tri đã nghe quen tai những từ “xử lý dứt điểm”, “kiên quyết khắc phục”, “không để tồn tại”, hay cầu thị hơn là “tôi xin chịu trách nhiệm trước dân”… Có lời hứa đã được thực thi rất mạnh mẽ, nhiều vấn đề nóng được giải quyết rốt ráo, hạ nhiệt sau đó. Song, tỷ lệ đó so với lời hứa còn ít quá và hệ lụy thì lại quá nhiều.
Nếu lời hứa giữ kỷ cương thị trường; thanh tra, giám sát chặt chẽ được thực hiện thì chắc chắn đã không thể có những Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát… thao túng, lũng đoạn thị trường trái phiếu, chứng khoán, đẩy cả hệ thống tài chính trước rủi ro đổ vỡ.
Nếu tăng lương, cải cách tiền lương được làm sớm hơn, căn cơ hơn chắc chắn sẽ không có làn sóng bỏ việc của giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế. Nếu chính sách cho ngành y được giải quyết sớm hơn thì giờ đây người dân sẽ không phải chịu cảnh đi khám bệnh nằm chung giường, hay nằm cả tháng chờ mổ vì thiếu dao, thiếu thuốc.
Và nếu lời hứa “không bay theo gió” thì chúng ta đâu phải chứng kiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trải qua 5 đời bộ trưởng, 13 năm dai dẳng với 12 lần trễ hẹn và kỷ lục về “đội vốn” 9.000 tỉ đồng.
Thực thi lời hứa không dễ, đặc biệt với các vấn đề nan giải, tác động toàn diện đến đời sống người dân, tới kinh tế - xã hội. Giải quyết nó đòi hỏi trình độ năng lực, trí tuệ, thời gian, chất xám của cán bộ lãnh đạo.
Sau mỗi phiên chất vấn, Quốc hội đều ban hành nghị quyết để giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng khi trả lời. Đó là điều mà cử tri cả nước mong mỏi, gửi gắm nhiều lần qua các đại biểu.
Tuy nhiên, cử tri cũng đề nghị và mong muốn nhiều hơn, Quốc hội có báo cáo giám sát riêng, đánh giá cụ thể, thực chất hơn về việc thực hiện lời hứa, không chỉ ở phiên chất vấn. Như vậy sẽ rõ ràng việc nào làm được, việc nào chưa làm được. Đại biểu Quốc hội cũng cần có trách nhiệm trước cử tri về việc giám sát tới cùng việc thực hiện lời hứa đó của lãnh đạo các bộ, ngành.
Kết quả thực thi lời hứa của những tồn tại được khắc phục là những lá phiếu tín nhiệm của đại biểu, của cử tri. Đó cũng chính là danh dự, lòng tự trọng, cái tâm và tầm của mỗi chính khách.
Theo Anh Vũ (TNO)