Nhằm ổn định thị trường xăng dầu, một trong những giải pháp mà TP.HCM kiến nghị trong cuộc họp tuần qua là các ngân hàng nới room tín dụng để các doanh nghiệp (DN) đầu mối có nguồn tài chính nhập khẩu xăng. Lý do, một số đơn vị “than” không tiếp cận được tài chính nên không có vốn để nhập hàng.
Thế nhưng nhìn lại suốt quá trình khan hiếm xăng dầu vừa rồi, có thể nói, lỗi không hẳn ở room tín dụng.
Đúng là có hiện tượng một số nhà băng từ chối cho vay nhập khẩu xăng dầu, tuy nhiên về bản chất, chính các DN đầu mối cũng không muốn vay hoặc chủ động giảm bớt lượng nhập. Bởi giá xăng dầu thế giới trong xu hướng giảm, nhưng theo quy định hiện nay, chúng ta lại tính giá xăng dầu bán lẻ trong nước bằng cách lấy mức bình quân của 10 ngày trước đó để áp dụng cho 10 ngày sau. Thế nên khi xăng dầu rớt giá, DN nhập khẩu biết chắc sẽ lỗ đậm. Mà lỗ thì chẳng ai muốn nhập, muốn bán, trừ các DN nhà nước bắt buộc phải đảm bảo nhiệm vụ an ninh năng lượng. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhiều DN đã không nhập hàng trong quý vừa qua. Còn các nhà băng, tất nhiên cũng không muốn cho vay khi biết rằng khoản vay đó là cho những hợp đồng nguy cơ cao “âm” lợi nhuận. Và trong trường hợp này, cũng không thể trách họ.
Nhìn lại suốt tuần qua và cả trước đó, dù các cơ quan liên quan đưa ra nhiều giải pháp, họp hành mổ xẻ, thậm chí nhấn mạnh sẽ rút phép cây xăng nếu ngưng bán, nhưng thị trường xăng dầu vẫn chưa thể trở về trạng thái bình thường. Tại TP.HCM vẫn có một số cây xăng chỉ bán định mức 30.000 - 50.000 đồng/xe máy và 300.000 - 500.000 đồng/ô tô. Một số tỉnh thành khu vực phía nam vẫn thiếu xăng dầu cục bộ. Nguyên nhân như nói trên, bệnh một đường mà chúng ta cứ bốc thuốc một nẻo.
Mấu chốt của thị trường xăng dầu hiện nay là nhiều quy định không còn hợp lý, thậm chí bất hợp lý, cần phải thay đổi để giải quyết tận gốc chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính. Vì vậy, không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải nhìn thẳng sự thật, thay vì cứ loay hoay bằng các giải pháp tình thế.
Liên quan đến việc này, có rất nhiều phân tích, dẫn chứng, kiến nghị, đề xuất đã được các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế hàng đầu VN lên tiếng. Ngay chính các DN đầu mối, các cửa hàng xăng dầu bán lẻ cũng chỉ rõ bất cập hiện hành, khiến họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bán thì lỗ, đóng cửa thì bị dư luận phản ứng, lên án. Từ quy định các cây xăng chỉ được lấy hàng ở một đầu mối nên đầu mối đã ký hợp đồng hết hàng cũng không thể tìm nguồn cung chỗ khác; quy định điều chỉnh giá 10 ngày/lần trong khi giá thế giới biến động từng giờ, từng phút; quy định về giá cơ sở, chi phí định mức... Tất cả cần được ngồi lại, bàn bạc, phân tích, mổ xẻ và thay đổi cho phù hợp với thị trường. Tất nhiên, trên tất cả thì để nhà nước có thể bình ổn được thị trường xăng dầu trong những giai đoạn giá cả biến động, một giải pháp tối quan trọng vẫn là xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu. Có nguồn dự trữ thì mới nói đến chuyện can thiệp hay kiểm soát giá cả...
Với nguồn cung xăng dầu trong nước chiếm gần 80%, chỉ hơn 20% là nhập khẩu, thực tế chúng ta có nhiều dư địa để điều hành giá cả xăng dầu cũng như thiết kế các chính sách hợp lý. Người dân và DN cũng cần hơn hết là sự công khai, minh bạch và chính xác chứ không phải giá cao hay thấp.
Chỉ cần chúng ta bốc thuốc đúng bệnh mà thôi.
Theo Niên An (TNO)