Thời sự - Bình luận

Luân chuyển tài nguyên thông tin để nâng cao dân trí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ lâu, thông tin được xem là nguồn tài nguyên vô giá, phục vụ mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển kinh tế-xã hội. Nơi tập hợp phong phú nhất, đa dạng nhất nguồn tài nguyên thông tin của mỗi quốc gia chính là hệ thống thư viện. Và muốn phát huy giá trị của nguồn tài nguyên ấy thì không có cách nào hiệu quả hơn ngoài việc luân chuyển.

Chuyến xe lưu động của Thư viện tỉnh thường xuyên phục vụ học sinh các trường vùng khó. Ảnh: Phương Duyên

Tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tỉnh Gia Lai năm 2022, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Ia Grai) vinh dự được trao giải “Trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất”. Cụ thể, học sinh trường này “gặt hái” được 10 giải gồm: 2 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích; trong số này có 3 bài thi được chọn tham gia cuộc thi cấp toàn quốc. Trao đổi với cô Đinh Thị Dua-Hiệu trưởng nhà trường, có thể thấy đây là kết quả của một quá trình đầu tư lâu dài, có chiều sâu. Ngoài việc chú trọng đầu tư cho hệ thống thư viện, nhà trường rất chú trọng luân chuyển sách. “Mỗi lớp đều có một giá sách, các em học sinh được khuyến khích mang những cuốn sách hay góp vào thư viện của lớp. Các giá sách đều có bánh xe, khi cần có thể dễ dàng chuyển sang các lớp khác trong khối”-cô Dua cho hay. Chưa kể, nhà trường còn tiếp nhận các đợt luân chuyển sách từ thư viện huyện. Bằng cách đó, giá trị thông tin được nhân lên gấp nhiều lần, mang đến cho học sinh những kiến thức hữu ích.

Từ tầm quan trọng của luân chuyển tài nguyên thông tin, tháng 8-2022, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2022. Theo thông tư này, các hình thức luân chuyển tài nguyên thông tin bao gồm luân chuyển đến các điểm ngoài trụ sở thư viện và luân chuyển thông qua không gian mạng. Nhằm phát huy vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện, đảm bảo nguồn lực cho thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư để có đủ năng lực, điều kiện triển khai các hoạt động phục vụ người dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin giữa các loại thư viện trên địa bàn theo quy định. Mặt khác, thư viện công cộng cấp tỉnh cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tổ chức rà soát, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hoạt động phục vụ lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin trong mạng lưới với nhau; bố trí thời gian hoạt động thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phù hợp với điều kiện sinh hoạt, học tập, sản xuất của người dân…

Trên cơ sở đó, mới đây, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 3606/VP-KGVX truyền đạt ý kiến của UBND tỉnh về triển khai hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch căn cứ Công văn số 3291/BVHTTDL-TV ngày 30-8-2022 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về việc triển khai thực hiện Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hoạt động thư viện tại tỉnh theo quy định. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương, Bưu điện tỉnh và các cơ quan liên quan phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai thực hiện.

Trao đổi với P.V xung quanh việc triển khai thực hiện chủ trương này, bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-cho biết: Hàng năm, nguồn sách bổ sung của Thư viện khoảng 20.000 cuốn. Trung bình mỗi năm, đơn vị thực hiện hơn 50 chuyến xe thư viện lưu động xuống các huyện vùng sâu, vùng xa. Từ đây, sách tiếp tục được luân chuyển hàng trăm lượt đến các xã để phục vụ trực tiếp các đối tượng độc giả. Những chuyến xe này còn trang bị máy tính có kết nối internet để hỗ trợ độc giả tìm kiếm thông tin. Việc làm này mang ý nghĩa nhân văn nhất định khi giúp sách đến với những độc giả gặp nhiều hạn chế khi đến với thư viện công cộng như người lớn tuổi, người khuyết tật.

Theo ông Trần Thanh Tùng-Trưởng phòng Bảo quản tài liệu và Xây dựng phong trào (Thư viện tỉnh), đơn vị còn thường xuyên thực hiện luân chuyển sách đến một số nơi như Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh; Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh với các đầu sách phù hợp, cung cấp cho bạn đọc đặc biệt này những món ăn tinh thần bổ ích.

Cũng như các con sông mải miết trong hành trình hòa mình với biển, có thể thấy, tài nguyên thông tin khi được luân chuyển liên tục sẽ mang đến những giá trị to lớn, góp phần xây dựng một xã hội học tập với tinh thần “Học, học nữa, học mãi” để mỗi người không ngừng hoàn thiện bản thân và vươn lên, cống hiến.

 

 PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm