Tin tức

Lý do gì khiến ông Kim Jong-un 'mất hứng' đàm phán với Tổng thống Trump?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giới quan sát nhận định, Bình Nhưỡng đang cố mặc cả để có được sự nhượng bộ kinh tế từ phía Mỹ và Hàn Quốc trước khi Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Do đó, Triều Tiên đã dọa hủy họp thượng đỉnh với Mỹ.

Trước đó, Triều Tiên đã bất ngờ hủy các cuộc đối thoại với Hàn Quốc vào ngày 16-5 và tuyên bố đang cân nhắc lại cuộc họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra ở Singapore vào ngày 12-6 tới.

 

Khả năng Triều Tiên sẽ cho hủy cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng tới.
Khả năng Triều Tiên sẽ cho hủy cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng tới.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho hay, Bình Nhưỡng không có lựa chọn và “buộc phải hủy cuộc đối thoại cấp cao Hàn - Triều” đồng thời cáo buộc Washington và Seoul có hành động khiêu chiến khi triển khai cuộc tập trận không quân lớn nhất từ trước tới nay "Max Thunder".

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiếp đón ông Pak Tae-song, một quan chức thuộc đảng Lao động Triều Tiên sang thăm Bắc Kinh vào ngày 16/5. Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của Triều Tiên trong việc phát triển kinh tế và tổ chức đối thoại với Mỹ.

Ông Chun Byung-gon, nhà nghiên cứu ở Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc tại Seoul cho rằng, Bình Nhưỡng cảm thấy Washington và Seoul không có phản ứng đáp lại việc Triều Tiên hướng tới giải trừ hạt nhân như đóng cửa bãi thử Punggye-ri.

“Bình Nhưỡng coi cuộc tập trận hải quân Max Thunder năm nay không còn là một cuộc diễn tập thông thường như mọi năm bởi Mỹ đã điều cả các máy bay quân sự chiến lược như F-22 và B-52 tới tham gia”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Chun.

Nói cách khác, Triều Tiên xem chiến đấu cơ tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor và máy bay ném bom chiến lược Boeing B-52 Stratofortress có khả năng mang theo khối lượng vũ khí lên tới 32.000 kg của Mỹ là mối đe dọa lớn đối với chính quyền Bình Nhưỡng.

Còn theo ông Sun Xingjie, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm của Trung Quốc, động thái hủy họp với Hàn Quốc vào ngày 16/5 của Triều Tiên đã làm lộ rõ khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Washington trong vấn đề giải trừ hạt nhân ngay trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Đây là dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên sẽ không chấp nhận cái gọi là giải trừ vũ khí theo “mô hình Libya” như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng gợi ý. Theo thỏa thuận năm 2003, chính phủ Libya đã vận chuyển các tài liệu và thiết bị liên quan tới chương trình hạt nhân tới Tennessee để tiêu hủy nhằm đổi lại Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt.

“Mô hình Libya được ông Bolton nhắc tới cách đây hai tuần là biện pháp mang tính cực đoan, khi mà Triều tiên phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi Mỹ xóa bỏ lệnh trừng phạt. Đây là chuyện Triều Tiên không bao giờ chấp nhận”, ông Sun nói.

Cũng theo ông Sun, Washington sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn nếu như ông Kim quyết định hủy họp với ông Trump.

Nhà nghiên cứu tại Viện Sejong ở Seoul, ông Chung Jae-heung thì nhấn mạnh, Bình Nhưỡng hy vọng nhận được sự nhân nhượng về kinh tế song hành với những nỗ lực giải trừ hạt nhân.

“Theo quan điểm của Triều Tiên, quốc gia này đã từ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri nhưng không nhận lại được gì. Do đó, bên cạnh các biện pháp do Mỹ khởi xướng, Triều Tiên đang cố gắng đảm bảo nhận được sự đền bù xứng đáng từ kinh tế khi giải trừ hạt nhân. Nếu như không có gì đảm bảo chắc chắn Triều Tiên sẽ được hưởng lợi kinh tế, Bình Nhưỡng sẽ mất hứng và không muốn tới dự họp thượng đỉnh ở Singapore”, ông Chung nói thêm.

Chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, ông Cai Jian cho rằng Bình Nhưỡng muốn gửi đi thông điệp “quốc gia này không chịu sự ép buộc hay sức ép lớn từ phía Mỹ mà sẽ hành động theo ý mình để hạ nhiệt căng thẳng cũng như cải thiện quan hệ với Hàn Quốc”.

Ngoài ra, ông Cai nhấn mạnh, động thái của Triều Tiên càng củng cố vị thế là người hòa giải của Trung Quốc.

“Sau nhiều năm đối đầu, Mỹ và Triều Tiên không hề có niềm tin lẫn nhau. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ không bao giờ có thể giải quyết thông qua một hoặc hai cuộc họp thượng đỉnh”, ông Cai nhận định.

Minh Thu/infornet

Có thể bạn quan tâm