Lý do Nga không đồng ý đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- "Những người ủng hộ chính quyền Ukraine ở nước ngoài sẽ không cho phép Ukraine rời khỏi chiến trường"- Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergey Naryshkin nói hôm 17/1, cho biết lý do vì sao Nga từ chối đàm phán hòa bình với Kiev.

Phái đoàn đàm phán Nga và Ucreine tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022. Ảnh: Getty

Ông Naryshkin đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3 năm ngoái, khi hai bên "đã đạt được một số thỏa thuận cơ bản".

"Tuy nhiên, những người ở Washington, những người ở London, nói với các cộng sự của họ ở Kiev rằng: Không, (không nên) có đàm phán hòa bình, không thể có hòa bình. Chúng tôi đã cấp cho các bạn hàng tỷ USD. Chúng tôi đã đầu tư vào các bạn; chúng tôi sẽ tiếp tục bơm tiền và vũ khí, và nhiệm vụ của bạn rất đơn giản - tiếp tục chiến đấu"- ông Naryshkin nhấn mạnh.

Các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev bế tắc kể từ cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3/2022. Kể từ đó đến nay, hai bên tiếp tục tuyên bố sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột, song chưa thể nối lại do cả Nga và Ukraine đều đưa ra những điều kiện mà bên còn lại không chấp nhận.

Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS ngày 12/1, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk, cho rằng hòa đàm trực tiếp là phương án tốt nhất để tiến tới chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tháng 12 năm ngoái cho biết Ukraine chưa sẵn sàng đối thoại.

"Bằng cách đưa ra đủ loại ý tưởng và "công thức hòa bình", (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky ấp ủ ảo tưởng rằng với sự giúp đỡ của phương Tây, ông ấy sẽ có thể đạt được mục tiêu đẩy lực lượng Nga khỏi các vùng lãnh thổ của Nga ở Donbass, Crimea, Zaporozhye và Kherson, buộc Nga phải thanh toán các khoản bồi thường cũng như nhận tội trước các tòa án quốc tế. Nga sẽ không đàm phán với bất kỳ ai với những điều kiện như vậy"- Ngoại trưởng Nga tuyên bố.

Theo ông Lavrov, tiến trình ngoại giao cho thấy Tổng thống Zelensky hoàn toàn thiếu sự độc lập trong việc đưa ra các quyết định quan trọng. "Theo lệnh của phương Tây, những bên muốn kéo dài xung đột, ông ấy đã nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán và củng cố mạnh mẽ lập trường của mình"- ông Lavrov nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Kiev phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Điều này có nghĩa là Ukraine phải công nhận việc 4 vùng ly khai đã sáp nhập vào Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho rằng, phương Tây quyết tâm đảm bảo "chiến thắng hoàn toàn và vô điều kiện của Kiev", trong đó tất cả khu vực mới sáp nhập vào Nga được "trả lại" cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine đã nêu "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, trong đó yêu cầu Nga phải rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Moscow đã bác bỏ đề nghị này, đồng thời cho biết bất cứ trao đổi nào không tính đến "thực tế mới về lãnh thổ" đều không thể coi là hòa đàm.

“Họ đưa quân đến đây và bây giờ nói rằng Ukraine không muốn đàm phán. Họ tiến vào các thành phố và sau đó nói 'hãy thương lượng'. Họ muốn nói chuyện với ai?”- ông Zelensky hỏi.

Moscow và Kiev bắt đầu đàm phán hòa bình 4 ngày sau khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2. Các bên sau đó đã tổ chức một số cuộc gặp trực tiếp tại Belarus, rồi tiếp tục họp trực tuyến, và một số cuộc họp khác nhưng không có kết quả.

Nói về nguyên nhân đổ vỡ đàm phán, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cáo buộc Mỹ và các đồng minh “đặt cược vào việc tiếp tục xung đột” và không cho phép Kiev “nghĩ hoặc nói về thỏa thuận hòa bình”.

Gần đây nhất, Ucraine đề nghị Liên Hợp Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh bàn về chấm dứt xung đột Nga- Ucraine với vai trò chủ trì của ngài Tổng thư ký để tìm giải pháp hòa bình, dự kiến diễn ra trong tháng 2/2023.

TS ( từ TTXVN, Dân trí điện tử, petrotimes.vn)

Có thể bạn quan tâm