Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mâm cúng tất niên của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi tôi 5-7 tuổi và suốt mấy chục năm sau đó, tôi chưa thấy bao giờ mẹ lo một mâm cơm tất niên sung túc và thoải mái. Để có được mâm cơm cúng ông bà ngày cuối năm, mẹ tôi vất vả nhiều lắm.

Hàng năm, cứ gặt lúa xong là mẹ tôi phơi khô, quạt sạch rồi đem trả nợ số thóc mà nhà tôi vay mượn để ăn trong năm. Thông thường, từ lúc bắt đầu cấy lúa cho đến khi giáp hạt, gia đình tôi phải vay 2-3 phuy lúa của bà con trong xóm.

Sau khi gặt lúa trả nợ xong, trong nhà chỉ còn 1-2 phuy. Số lúa này vừa để ăn, vừa bán để mua thức ăn, lo cho tôi ăn học vừa lo cho tất cả các khoản hiếu hỉ và trăm thứ trên đời.

Để có tiền trang trải dịp Tết, mẹ tôi làm đủ thứ việc, từ gặt thuê, cấy mướn, làm cỏ thuê đến vào rừng đốn củi… Tuy vậy, số tiền mà mẹ tôi kiếm được ít lắm, đủ mua thực phẩm cho gia đình và dành dụm mua cho tôi bộ đồ mới. Nói là “bộ” nhưng chưa năm nào tôi có đủ cả quần lẫn áo và đôi dép mà chỉ có 2 trong 3 thứ ấy hoặc là đôi dép và áo hoặc là chiếc quần và đôi dép. Vậy là mẹ đã cố gắng hết sức rồi.

Vì thế, đến ngày cuối năm kiếm được đủ tiền lo cho mâm cơm tất niên bao giờ cũng làm cho mẹ tôi tất tả ngược xuôi.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Mâm cơm tất niên của mẹ thường là những món cây nhà lá vườn, giản đơn, nhưng không thể thiếu một con gà trống. Mẹ bảo làm gì thì gì phải có một con gà trống, càng đẹp càng tốt. Cho nên, năm nào cũng vậy, cứ qua rằm tháng Chạp là mẹ chạy vạy đôn đáo để lo chuyện Tết và nhất là kiếm đủ tiền để mua được con gà trống. Có năm gần Tết người ta gọi mẹ tôi đi làm cỏ lúa Đông Xuân vài ba ngày, thế là đủ tiền để mẹ mua con gà trống đẹp nhất.

Năm nào may mắn, có người gọi thêm chị tôi làm phụ với mẹ thì khá hơn một chút, lo mâm cơm tất niên xong mẹ tôi cũng còn lại mấy đồng dằn túi. Thế nhưng có nhiều năm, những ngày giáp Tết không có ai gọi mẹ tôi làm thuê. Tôi thấy mẹ ngược xuôi khắp nơi để tìm việc hoặc mượn tiền.

Tôi nhớ một năm tháng Chạp thiếu, không có ngày 30, mẹ tôi mượn được tiền thì đã quá trưa ngày 29. Lúc này, chợ búa đã dọn sạch sẽ. Mẹ không ăn trưa, quày quả khắp nơi đến 3 giờ chiều mới về đến nhà với con gà trống mới tập gáy bé tí. Mẹ bảo may mà mua được chứ không biết lấy gì để cúng ông bà cuối năm. Chiều tất niên năm ấy, mẹ làm cơm cúng muộn hơn, khi dọn mâm xuống cũng là lúc nhà nhà xung quanh vui đón Giao thừa.

Khi đã đi làm, tôi thường dành một ít tiền đưa cho mẹ lo cho mâm cơm tất niên. Từ đó, mẹ không phải chạy vạy vay mượn như trước nữa. Tuy vậy, bao giờ mẹ cũng dặn đi dặn lại tôi là phải tìm mua cho được con gà trống, đến khi nhìn thấy con gà tốt rồi mẹ mới an tâm.

Mẹ tôi mất đã gần 20 năm. Theo thời gian, đời sống gia đình tôi đã khá hơn nhiều. Nhưng có một điều không thay đổi, đó là việc chuẩn bị mâm cơm tất niên. Tôi vẫn giữ nếp cũ, làm y như mẹ ngày xưa. Tức là phải có con gà trống thật đẹp và cúng vào chiều cuối năm chứ không phải những ngày trước đó hoặc vào buổi sáng hay buổi trưa. Và, tôi luôn ghi nhớ lời mẹ rằng cúng chiều cuối năm thì mới mời ông bà về đông đủ trong những ngày Tết.

Có thể bạn quan tâm