Nếu Bắc Kinh dùng đến vũ lực, gần như chắc chắn các nước tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông tự động sẽ được đẩy xích lại gần nhau hơn.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario mới đây tuyên bố Philippines đang có kế hoạch đưa tranh chấp hiện nay ở Biển Đông với Trung Quốc ra thảo luận tại cuộc họp giữa quan chức cấp cao Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Mỹ dự kiến diễn ra trong các ngày từ 20 đến 22-5. Theo Manila, đây là một trong những vấn đề mà Mỹ quan tâm.
Theo Daily Inquirer, có khả năng Manila sẽ nhấn mạnh đến lợi ích của Mỹ ở biển Đông cùng tuyến đường hàng hải huyết mạch có giá trị thương mại 5.000 tỉ USD/năm để tranh thủ sự ủng hộ hơn nữa của Washington.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario |
Động thái này của Manila cộng với tuyên bố mới đây về cấm đánh bắt cá ở khu vực quanh quần đảo Scarborough có thể hiểu như là những phản ứng cứng rắn và mạnh mẽ của Philippines. Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Philippines đang “ăn hiếp” Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, những diễn biến trong cuộc đối đầu giữa hai bên có thể là câu trả lời chính xác cho những cáo buộc từ phía Bắc Kinh.
Với việc sử dụng đội tàu tuần tra trang bị vũ khí hạng nhẹ của Cục Ngư nghiệp, Cục Hải giám và các cơ quan dân chính khác mà không dùng đến tàu chiến, Bắc Kinh đang muốn tránh tiếng là kẻ gây hấn. Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang muốn giảm thiểu nguy cơ xung đột nhưng không muốn thỏa hiệp qua hơn một tháng đối đầu với Philippines tại bãi cạn Scarborough.
Thực tế, Bắc Kinh không hề tỏ dấu hiệu thỏa hiệp trong vụ căng thẳng bắt đầu vào tháng trước, khi tàu tuần tra Trung Quốc ngăn chặn Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham. Giới phân tích an ninh cho rằng, chắc chắn những vụ việc tương tự sẽ xảy ra, nếu Philippines không đương đầu với thách thức, bằng chính sức của mình hoặc với sự hỗ trợ của các đồng minh.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận thông tin họ đang chuẩn bị chiến tranh, nhưng tờ Nhật báo quân đội giải phóng Trung Hoa, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng, lại cảnh báo Philippines đang phạm “sai lầm nghiêm trọng” khi vẫn tuyên bố chủ quyền với bãi đá.
Mặc dù cho đến nay Bắc Kinh vẫn giữ lực lượng hải quân đứng ngoài vụ tranh chấp, song Philippines, cũng như hầu hết các nước khác trong khu vực đều đã cảnh giác trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nếu xảy ra chiến tranh.
Nếu Bắc Kinh dùng đến vũ lực, gần như chắc chắn các nước tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông tự động sẽ được đẩy xích lại gần nhau hơn. Hơn nữa, những nước này, cùng với Philippines, đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hiệp hội đang hướng tới xây dựng cộng đồng chung kiểu EU, trong đó có cả phối hợp an ninh.
Theo VOV