Xã hội

Gia đình

"Masterchef" mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều người đã biến khoảng thời gian ở nhà tránh dịch thành cơ hội quý giá để chăm sóc bản thân, gia đình và rèn kỹ năng. Không những thế, một số người còn tìm thấy niềm vui trong chính gian bếp gia đình khi phát hiện rằng trở thành “master chef” (siêu đầu bếp) không khó như họ từng nghĩ. 
Chế biến những món ăn cầu kỳ, nhiều dưỡng chất và ngon mắt là điều mà chị Nguyễn Thị Mai Huyền (phường Đống Đa, TP. Pleiku) luôn mong muốn để cải thiện tình trạng biếng ăn của cô con gái 5 tuổi. Thế nhưng, công việc của một người quản lý bán hàng tiêu dùng như chị quá bận rộn nên gần như không có thời gian đầu tư nhiều cho việc bếp núc. Vì vậy, dịp này, chị Huyền đã sắp xếp để đổi món thường xuyên cho bữa ăn gia đình. Vốn không mấy khéo tay nhưng với sự học hỏi, nỗ lực, chị Huyền đã biến những món ăn thường ngày của bé trở nên sinh động, hấp dẫn như một vườn cổ tích. Những nhân vật ngộ nghĩnh được chị tạo hình bằng cơm và các loại rau, củ cùng gia vị phù hợp khiến cô con gái vô cùng thích thú. 
Chị Nguyễn Thị Mai Huyền (phường Đống Đa, TP. Pleiku) thấy hạnh phúc khi con gái hào hứng với bữa ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Ảnh: N.G
Chị Nguyễn Thị Mai Huyền (phường Đống Đa, TP. Pleiku) thấy hạnh phúc khi con gái hào hứng với bữa ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Ảnh: N.G
“Có hôm bé reo hò vui mừng, khen mẹ đúng là “master chef” như trên ti vi. Có hôm, thấy cơm được mẹ tạo hình thành chú chuột Mickey thì bé nhất định không chịu ăn vì đẹp quá. Nhưng sau khi mẹ hứa hôm sau sẽ làm chú Mickey khác đẹp hơn, bé hào hứng tự mình ăn hết khẩu phần. Bé còn thích thú tham gia làm cơm với mẹ”-chị Huyền hạnh phúc chia sẻ. Không chỉ làm những món ăn đẹp mắt cho con, chị Huyền còn chăm chút hơn cho bữa ăn gia đình. Những món như: kim chi Hàn Quốc, chả ram cuộn bắp non, giò heo hầm măng… được chị đầu tư để tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cả nhà trong mùa dịch. Chị cho biết vui nhất là được chồng con khen nấu ăn ngày một ngon hơn. 
Chuyện cánh mày râu vào bếp mùa dịch cũng không hiếm. Là giáo viên dạy nhạc ở trường huyện và mở lớp dạy đàn tại nhà nên anh Trương Đức Anh (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) bận rộn cả tuần. Nhân đợt nghỉ dài ngày vì dịch Covid-19, anh đã thử làm nhiều món chưa từng chế biến. Anh Đức Anh hóm hỉnh kể lại: “Món đầu tiên tôi làm cho vợ ăn sáng là trứng ốp la. Món này rất đơn giản nhưng tôi lại làm cháy gần hết lòng trắng, trong khi lòng đỏ mới bắt đầu chín tới”.
Anh Đức Anh nấu phở bữa ăn sáng của gia đình. Ảnh: N.G
Anh Đức Anh nấu phở bữa ăn sáng của gia đình. Ảnh: N.G
Không nản lòng sau thất bại đầu tiên, anh quyết tâm lên mạng tìm tòi, học hỏi và tiếp tục thử sức với món phở khô. Với suy nghĩ không gì là không thể, anh Đức Anh đã trở thành đầu bếp xịn trong mắt vợ con sau “mùa hè bất đắc dĩ”. Từ đó, anh thường xuyên đổi món từ phở bò, mì Quảng, bánh mì ốp la, bánh mì xíu mại đến gà chiên mắm, vịt nấu chao... Anh cho hay, cuộc sống gia đình mình không mấy xáo trộn trong thời gian nghỉ tránh dịch vì mọi người ai cũng suy nghĩ tích cực rằng: Sức khỏe là quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu bây giờ là an toàn bản thân, gia đình và cộng đồng. Hơn thế, nhờ vậy mà anh nhận ra rằng trở thành siêu đầu bếp cũng không quá khó. 
Không chỉ có thời gian đầu tư làm những món ngon cho cả nhà, nhiều người còn phát triển món sở trường để kinh doanh online. Được sự khuyến khích của gia đình, chị Phan Thị Thanh Thy (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đã mở kênh bán đồ ăn trên trang Facebook cá nhân. Những món sở trường của chị gồm: bún cua, bánh canh chả viên, cháo lòng bánh hỏi, phở gà…  Chị Thy cho biết: “Trước đây, tôi cũng thường bán hàng online nhưng chủ yếu là quần áo, giày dép. Nay dịch bệnh, mọi người hạn chế mua sắm nên tôi tạm nghỉ. Ở nhà chăm chút nấu ăn cho gia đình, được mọi người khen và khuyến khích thử sức bán đồ ăn nên tôi cũng mạnh dạn. Đến nay, tôi đã có một lượng khách nhất định và nếu ổn thì tôi sẽ tiếp tục bán sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi”.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm