Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông liên quan việc Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để mất hơn 2.000 ha rừng ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông).
Thế nhưng, dư luận thật sự sốc trước kiến nghị của Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông, kiến nghị không thi hành hình thức kỷ luật khiển trách mà yêu cầu công chức kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Không phải 2 ha hoặc 20 ha mà là hơn 2.000 ha rừng đã mất. Cánh rừng này bị phá thì cũng kéo dài hết năm này qua năm nọ, phá bằng cả đội ngũ cơ giới mới có thể ngốn hết chừng ấy diện tích rừng. Thế mà chẳng ai biết, trong khi lực lượng kiểm lâm của huyện, của tỉnh túc trực tại địa phương chứ nào phải xa xôi gì mà không thấy, không biết. Kỷ luật những người liên quan mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cũng không muốn thì không hiểu cơ quan này giữ rừng bằng cách nào!
Hãy so sánh một vụ án phá rừng ở Kon Tum diễn ra năm 2016: 5 bị cáo vào rừng chặt một cây trắc đã chết khô với khối lượng 0,123 m3. Các bị cáo bị đưa ra tòa xử từ năm 2016 cho đến 2019, từ tòa cấp huyện cho đến TAND cấp cao. Quá bức xúc, sau khi thi hành án, họ tiếp tục kêu oan. Lấy một khúc gỗ mà các cơ quan chức năng quyết xử nghiêm, trong khi để mất 2.000 ha rừng tự nhiên thì lại hời hợt kiến nghị không xử lý thì còn đâu tính răn đe với những kẻ tàn phá môi trường và chưa đủ tạo được niềm tin với bao người đang quyết tâm giữ rừng.
Những năm qua, cả nước bị phá cả triệu hécta rừng và hiện nay những cánh rừng, kể cả rừng nguyên sinh cũng đang bị tàn phá. Đây là thực trạng liên tục được báo động qua từng năm nhưng thực tế công tác bảo vệ rừng vẫn còn kém. Dân số chúng ta lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh thì việc giữ được những cánh rừng còn sót lại có vai trò rất quan trọng. Nó giúp cân bằng hệ sinh thái có phần dễ bị tổn thương, chống chọi với biến đổi khí hậu ngày càng khó lường và ít nhiều lưu giữ được bản sắc văn hóa vùng miền. Suy nghĩ chúng ta sẵn có "rừng vàng biển bạc" đã lạc hậu lắm rồi, bởi diện tích rừng không còn nhiều và đang bị thu hẹp. Bão tố tàn phá, mưa lũ dị thường, nước dâng nhấn chìm làng mạc... đều có nguyên nhân từ diện tích rừng bị tàn phá. Sự trả giá về kinh tế - xã hội và cả cuộc sống của người dân là vô cùng đau xót.
Không thể mãi tự lừa dối mình rằng rừng có mất nhưng chúng ta cũng trồng mới hàng triệu hécta rừng. Không gì thay thế được rừng tự nhiên, bởi nơi đây bảo toàn nguyên vẹn sự đa dạng sinh học. Những cánh rừng già với sự phong phú của các loài cây chính là bảo tàng sống về giống loài mà không một công trình nhân tạo nào làm được. Tầng cây bụi và lớp cỏ mặt là thảm thực vật giữ nước tự nhiên không gì thay thế nổi. Từ rừng cũng quy tụ các loài sinh vật đa dạng để duy trì và phát triển hệ sinh thái phụ thuộc là mô hình duy nhất của thiên nhiên mà không cánh rừng trồng nào mô phỏng thành...
Sự bao biện cho hành vi phá hơn 2.000 ha rừng ở Đắk Nông là không thể chấp nhận được. Không xử lý nghiêm thì cơ quan chức năng lấy gì răn đe "lâm tặc" để có thể giữ được những cánh rừng ít ỏi còn lại?
Theo Phạm Hồ (NLĐO)