Thời sự - Bình luận

Mở cơ chế cứu điện gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có ít nhất 4 dự án điện gió đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31-10-2021, có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Nhưng vì nhiều lý do khách quan, trong đó có tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) không kịp hoàn thành thử nghiệm kỹ thuật - thủ tục hành chính cuối cùng - để được công nhận vận hành thương mại (COD). Thiếu COD đồng nghĩa DN không được hưởng giá ưu đãi.

Khi DN đồng loạt kêu cứu vì có nguy cơ phá sản, Thủ tướng giao Bộ Công Thương kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, mọi vướng mắc cần phải được giải quyết từ thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Công Thương và EVN đã có bài học đau đớn trong giai đoạn dự án điện mặt trời được đầu tư ồ ạt trong khi lưới truyền tải thiếu nghiêm trọng dẫn đến bị giảm tải hàng loạt. Không ít lãnh đạo các đơn vị của EVN đã phải "trả giá" trong quá trình xử lý một số dự án và chắc chắn không ai dám tiếp tục làm liều trong canh bạc điện gió lần này. Không thể trách EVN hay Bộ Công Thương trong việc đòi hỏi DN phải hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định, quy trình để được hưởng mức giá ưu đãi.

Về phía nhà đầu tư, thiếu kinh nghiệm ở một lĩnh vực mới, không nghiên cứu thấu đáo các quy định hoặc không thuê tư vấn... đã khiến họ "té ngửa" khi tới gần mốc chốt COD. Thậm chí, có tình trạng nhà đầu tư chủ quan cho rằng một số cơ chế áp dụng cho điện mặt trời trước đây, ví dụ cho DN nợ COD, cũng sẽ được áp dụng cho điện gió, mà quên mất rằng việc tạo điều kiện cho DN ngoài quy định cho phép có thể khiến cơ quan quản lý ngành gặp họa.

Trong bối cảnh điện gió gặp khó, Bộ Công Thương đã kiến nghị gia hạn thời gian hưởng giá ưu đãi đối với các dự án điện gió, song không được chấp nhận. Như vậy, để xử lý câu chuyện nhà đầu tư điện gió kêu cứu, cần có phương án từ phía Chính phủ dựa trên tham mưu của Bộ Công Thương trên tinh thần hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng DN. Đặc biệt, với những DN điện gió đã hoàn thành hầu như tất cả yêu cầu, quy định và chỉ còn thiếu một chút thủ tục mang tính chất hành chính, cần sự hỗ trợ chí tình hơn.

Bộ Công Thương từng đề xuất cơ chế đàm phán giá giữa nhà đầu tư điện gió với EVN. Theo đó, nhà đầu tư cung cấp chứng từ, giấy tờ liên quan đến chi phí để hai bên thỏa thuận mức giá phù hợp. Đây có thể là giải pháp khả thi và hiệu quả trong giai đoạn cấp bách, giúp nhà đầu tư điện gió có cơ hội được hòa lưới và hưởng giá tốt. Song, cơ chế này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, đặc biệt là trong quá trình thương lượng. Để giảm bớt rủi ro, Bộ Công Thương cần đưa ra khung giá với mức giá trần và sàn được quy định rõ ràng để các bên áp dụng. Theo đó, nếu nhà đầu tư đòi mức giá cao quá thì EVN có thể từ chối, còn nếu EVN ép giá quá mức thì nhà đầu tư có thể kiến nghị lên các cơ quan quản lý. Khung giá này nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng, tránh thả nổi giá điện gió.

HÀ ĐĂNG SƠN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng
và tăng trưởng xanh (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam)

 

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm