Học sinh trên cả nước trở lại trường 2 tuần, nhưng việc xử trí các tình huống phòng ngừa dịch Covid-19 vẫn mỗi nơi một kiểu. Trong khi đó, cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế thì đến thời điểm này mới dừng ở lời hứa “sẽ hướng dẫn”.
Đơn cử như việc khi có F0 trong trường học, không chỉ các tỉnh, thành có cách xử trí khác nhau, mà ngay trên địa bàn một quận, huyện ở Hà Nội mỗi trường một cách làm. Nơi linh hoạt và muốn mở cửa trường bền vững thì chỉ xác định những học sinh (HS) tiếp xúc trực tiếp là F1 và cho các em này chuyển sang học trực tuyến; nhưng không ít trường lập tức dừng đến trường cả 1 lớp, một khối khi có 1 HS là F0…
Hay chuyện test sàng lọc cho HS trước khi đến trường, một số nơi coi đây là quy định bắt buộc. Rồi việc cho HS đi học 1 buổi hay 2 buổi/ngày cũng vậy, nơi mở cửa trường thì đồng thời mở lại các hoạt động giáo dục với tâm thế “bình thường mới”; nhưng có nơi chỉ học 1 buổi/ngày khiến phụ huynh lao tâm khổ tứ trong việc đưa đón, trông coi con nửa ngày còn lại… Hoặc trẻ từ 5 - 12 tuổi chưa tiêm vắc xin thì việc đến trường ra sao để đảm bảo an toàn…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi thị sát tại các địa phương đã đề nghị cần tổ chức dạy học bán trú, vì về cơ bản khi đã cho HS đi học thì việc học 1 buổi hay cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau; trẻ tiêm vắc xin hay chưa tiêm đều có thể đến trường… Thế nhưng, các địa phương thực hiện mỗi nơi một kiểu.
Và mới nhất, do lo ngại tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng, UBND TP.Hà Nội hôm qua 18.2 có văn bản hỏa tốc đồng ý với tờ trình của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc dừng cho trẻ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận nội thành đi học lại từ 21.2.
Trong khi đó, lãnh đạo ngành y tế thì im lặng.
Báo cáo mới nhất của Bộ GD-ĐT sau khi cho HS đi học 2 tuần mới chỉ ra những lúng túng, bất cập trong phòng dịch ở các nhà trường; và khẳng định trong thời gian tới phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo đối với các tình huống phức tạp xảy ra; sửa đổi hướng dẫn xử trí với các trường hợp F0, F1 trong trường học phù hợp với thực tiễn.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, HS; cần ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc HS khi tới lớp. Đồng thời, Bộ Y tế cần cho ý kiến chuyên môn về phòng, chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vắc xin; việc tổ chức ăn bán trú, học 2 buổi... để Bộ GD-ĐT và các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành. Sau đề nghị của Bộ GD-ĐT, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế hứa “sẽ hướng dẫn”.
Nhà trường và phụ huynh có quyền được chỉ dẫn đủ thuyết phục về khoa học phòng dịch để không đưa con đến trường trong nặng trĩu lo âu.
Theo Tuệ Nguyễn (TNO)