Vào Google Search (dịch vụ tìm kiếm của Google), gõ cụm từ khóa “sau 30.9”, chức năng gợi ý tìm kiếm của Google sẽ tự động đề xuất cụm từ tiếp theo “... người dân TP.HCM có cần giấy đi đường không”.
Đề xuất này thể hiện mối quan tâm của người dùng internet thông qua từ khóa, cụm từ truy vấn phổ biến ở thời điểm hiện tại. Phân tích sâu hơn, cụm từ truy vấn này nổi lên từ ngày 15 - 21.8, sau đó vơi dần và đột nhiên gia tăng sự quan tâm trở lại bắt đầu từ ngày 12.9 cho đến nay, với biên độ tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước đó.
Xu hướng này trùng với những thông tin liên quan thời điểm TP.HCM dự kiến đưa ra những chính sách mới tập trung vào các vấn đề đi lại, kiểm soát lưu thông; một số lĩnh vực được phép hoạt động có điều kiện… sau ngày 30.9 để dần nới lỏng giãn cách, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiến tới từng bước sống chung an toàn với dịch.
Nhưng bên cạnh đó còn cho thấy, sau nhiều tháng bí bách, đè nén vì biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ở mức độ nghiêm ngặt, đã xuất hiện tâm lý chuẩn bị những kế hoạch “xả hơi” sau thời điểm 30.9. Sự kỳ vọng này, theo quy luật tâm lý, là dễ hiểu.
Tuy vậy sẽ rất nguy hiểm nếu cho rằng sau thời điểm 30.9, dịch Covid-19 không còn tồn tại. Không đâu xa, ở một số tỉnh, thành khác, sau khi “mở cửa”, nới lỏng giãn cách vì trước đó địa phương cơ bản đã khống chế được dịch theo các tiêu chí của Bộ Y tế, nay đã phải tái lập các chốt kiểm soát, đóng lại nhiều chợ dân sinh vì phát hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng sau một thời gian dịch tạm lắng.
Đến thời điểm hiện tại, biến chủng Delta đã biến mục tiêu “diệt sạch vi rút” không còn khả thi. Nhiều nước trên thế giới đã phải thay đổi chiến lược, từ “diệt sạch Covid-19” sang “sống chung an toàn” với dịch bệnh.
Ngày 23.9, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nói rằng, đạt được “Zero Covid” sẽ rất khó; những nước phát triển tiêm vắc xin 90% dân số vẫn không thể.
Vì vậy, chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 dựa trên 6 nguyên tắc: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị xã hội là trọng yếu và thường xuyên. Vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu tập trung có trọng tâm, trọng điểm, huy động các nguồn lực để xét nghiệm thần tốc tại Hà Nội; dồn lực kiểm soát dịch tại TP.HCM và các tỉnh xung quanh để có điều kiện từng bước phục hồi kinh tế. Nhưng có một thực tế là các địa phương đang áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch chưa đồng bộ, thiếu đi yếu tố liên kết giữa các vùng, miền.
Thế nên, khi đề cập đến trạng thái “mở cửa”, cần xem xét các giải pháp phù hợp dựa trên những chính sách thống nhất giữa các địa phương, vùng, miền, vì chỉ cần một địa phương “đóng cửa”, những địa phương khác cũng sẽ kẹt lại. Không bi quan, lo lắng quá đến nỗi không dám mở cửa, nhưng cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì dịch Covid-19 chưa thể biến mất hoàn toàn.
Theo Tường Vy (TNO)