Thời sự - Bình luận

Mua bảo hiểm xe máy để làm gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Câu chuyện về giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy (gọi tắt là BHXM) đang nóng ran trên các mặt báo và mạng xã hội kể từ ngày 15-5, khi lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cùng với giấy phép lái xe (đối với xe có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên) và giấy đăng ký xe, đây là loại giấy tờ mà người điều khiển xe máy bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông. Nếu không có hoặc không mang theo BHXM, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Khi quyền lợi được đảm bảo, chắc chắn người dân sẽ không còn thờ ơ với nghĩa vụ mua BHXM như lâu nay. (ảnh nguồn internet)

Bảo hiểm xe máy là loại bảo hiểm có tính ưu việt, nhân văn khi nếu chẳng may xảy ra rủi ro, tai nạn, đơn vị bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường cho chủ xe phần trách nhiệm dân sự về người đối với bên thứ ba (tối đa 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn) và tài sản (tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn). Trong khi đó, mức BHXM hiện tại chỉ là 55 ngàn đồng/năm/xe có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 và 60 ngàn đồng/năm/xe có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên (chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng).

Quy định về BHXM đã có từ lâu. Những lợi ích khi tham gia loại bảo hiểm này rất rõ ràng. Việc Cảnh sát Giao thông kiểm tra BHXM cũng diễn ra thường xuyên mỗi lần dừng phương tiện. Vậy điều gì đã khiến câu chuyện về BHXM trở nên nóng ran trong những ngày gần đây, khi lực lượng Cảnh sát Giao thông ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ?

Câu trả lời trước hết là vì nhiều người dân chưa quan tâm đến loại bảo hiểm này. Một tờ báo mới đây đưa ra số liệu: Cuối năm 2019, cả nước có gần 60 triệu xe mô tô, xe gắn máy nhưng trong số này chỉ có khoảng 40% được mua bảo hiểm. Điều này có nghĩa, khoảng 36 triệu xe còn lại chưa được mua bảo hiểm. Bởi vậy nên những ngày gần đây, khi lực lượng Cảnh sát Giao thông ra quân tổng kiểm soát, nhiều người mới vội vàng đi mua BHXM. Trên báo chí và mạng xã hội, nhiều người thẳng thắn cho biết, họ mua bảo hiểm chỉ là để đối phó với việc kiểm tra của Cảnh sát Giao thông, tránh bị xử phạt. Nhiều người hoàn toàn không biết đến những quyền lợi khi tham gia loại bảo hiểm này hoặc biết nhưng không mong đợi gì về việc đòi được quyền lợi khi xảy ra rủi ro, tai nạn vì hồ sơ thủ tục liên quan quá nhiêu khê, khó khăn và gần như họ phải hoàn toàn tự xoay xở.

Những ý kiến thẳng thắn của người dân về BHXM rõ ràng rất đáng để các đơn vị kinh doanh loại hình bảo hiểm này lắng nghe, chia sẻ. Bởi lẽ, đi liền với quyền lợi thì các đơn vị kinh doanh bảo hiểm cũng phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Một trong những trách nhiệm đó đã được nêu rõ tại khoản 2 Điều 19 Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16-2-2016 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm “phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và giải thích rõ quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho chủ xe cơ giới”. Trong thực tế, quy định này rất ít được doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm thực hiện. Hệ quả là nhiều người mua bảo hiểm rất lơ mơ về quyền lợi của mình; khi gặp rủi ro, tai nạn không biết phải làm sao để được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường.

Đối với những khó khăn mà khách hàng mua bảo hiểm đang gặp phải khi làm hồ sơ thủ tục đề nghị chi trả bồi thường sau rủi ro, tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hẳn biết rất rõ. Thế nhưng, dường như doanh nghiệp bảo hiểm chưa quan tâm đến việc hỗ trợ khách hàng dù họ có quyền “kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới phù hợp với thực tế triển khai loại hình bảo hiểm này” (khoản 5 Điều 18 Thông tư số 22/2016/TT-BTC).

Quay trở lại với câu hỏi: Mua BHXM để làm gì? Rõ ràng, nếu chỉ để đối phó với Cảnh sát Giao thông thì đây là một sự lãng phí lớn và làm mất đi tính nhân văn, ý nghĩa thiết thực của loại hình bảo hiểm này. Còn nếu mua bảo hiểm để được hưởng những quyền lợi như đáng ra phải có khi gặp rủi ro, tai nạn thì người dân đang rất mong các bộ, ngành chức năng và doanh nghiệp bảo hiểm sớm có những sửa đổi, điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính. Khi quyền lợi được đảm bảo, chắc chắn người dân sẽ không còn thờ ơ với nghĩa vụ mua BHXM như lâu nay.

Vĩnh Phúc


 

Có thể bạn quan tâm