Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch “Biển Xanh 2020” nhằm độc chiếm tài nguyên Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đe dọa hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng ở Biển Đông. Ảnh: NGƯ DÂN CUNG CẤP
Đây là một trong những vấn đề được nêu ra trong buổi tọa đàm trực tuyến về Biển Đông do Đại sứ quán Mỹ tại Philippines tổ chức vào ngày 15.5, với sự tham dự của các chuyên gia Việt Nam, Malaysia, Mỹ và Philippines.
Ngày 1.4, cảnh sát biển Trung Quốc đơn phương phát động chiến dịch dưới chiêu bài “thực thi pháp luật” kéo dài 8 tháng (1.4 - 30.11) mang tên “Biển Xanh 2020”. Trung Quốc gọi đây là chiến dịch nhằm bảo vệ môi trường Biển Đông nhưng trên thực tế lại nhằm ngăn cản các nước khác thăm dò, khai thác dầu khí.
Lợi dụng bệnh dịch để độc chiếm Biển Đông
“Chiến dịch Biển Xanh 2020 được cho là một phần trong âm mưu của Trung Quốc nhằm thâu tóm tài nguyên Biển Đông xuyên suốt một thập niên (2010 - 2020) sau khi Bắc Kinh công bố bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp hồi năm 2009. Chiến dịch này có thể là cái cớ để các lực lượng chấp pháp Trung Quốc bắt nạt láng giềng ở Biển Đông”, chuyên gia Sumathy Permal, Giám đốc Trung tâm vì eo biển Malacca thuộc Viện Nghiên cứu hàng hải Malaysia, phát biểu tại buổi tọa đàm.
Trong tháng 4, Bắc Kinh liên tục có những hành động phi pháp ở Biển Đông bao gồm: thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận - huyện bất hợp pháp để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa; xây trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi ở Trường Sa; điều đội tàu dọa dẫm và ngăn chặn láng giềng thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi.
Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc liên tục tiến hành những cuộc tập trận ở Biển Đông và mới đây là triển khai các máy bay trinh sát, cảnh báo sớm đến bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa giữa lúc khu vực đang đối phó Covid-19.
Chính quyền Trung Quốc muốn dựng lên hình ảnh kẻ chiến thắng Covid-19, không những luôn tiến hành những hoạt động quân sự như thường lệ, mà còn đẩy mạnh các mưu đồ mới tại Biển Đông trong lúc các quốc gia trong khu vực đang ứng phó đại dịch TS Nguyễn Hùng Sơn |
“Chính quyền Trung Quốc muốn dựng lên hình ảnh kẻ chiến thắng Covid-19, không những luôn tiến hành những hoạt động quân sự như thường lệ, mà còn đẩy mạnh các mưu đồ mới tại Biển Đông trong lúc các quốc gia trong khu vực đang ứng phó đại dịch”, TS Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận định và cho rằng một nhóm những nhân vật có ảnh hưởng về chính trị và quân sự ở Trung Quốc còn muốn lợi dụng cái mà họ gọi là “những thời khắc chiến lược” để đẩy mạnh kế hoạch độc chiếm Biển Đông và những khu vực khác như biển Hoa Đông.
Xu hướng mới chủ đạo của ASEAN
Tuy nhiên, những động thái kể trên của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối ngày càng quyết liệt từ các quốc gia Đông Nam Á.
Trung Quốc luôn thách thức và cố gây chia rẽ ASEAN, nhưng gần đây chính điều này lại góp phần giúp những quốc gia Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn để phản đối sự ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông, chuyên gia Permal nhận xét.
“Báo cáo mới đây của Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc gửi lên chính phủ cũng đã cảnh báo nguy cơ về những phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế và các quốc gia trong khu vực đối với những động thái hung hăng của Bắc Kinh”, TS Nguyễn Hùng Sơn phân tích và nhận định: “Bắc Kinh lẽ ra có thể tạo ra bầu không khí thân thiện và hợp tác nhưng họ làm điều ngược lại”.
Trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã làm rất tốt để duy trì đà hoạt động cho cả khối khi vẫn tổ chức các hội nghị theo kế hoạch, từ đó gửi thông điệp cho thế giới, bao gồm Trung Quốc, rằng ASEAN vẫn tích cực hoạt động trong giai đoạn đầy thách thức như hiện nay, theo đánh giá của TS Sơn.
Bên cạnh đó, TS Sơn nêu lên một xu hướng mới đang lan rộng trong nội bộ ASEAN: Ngày càng nhiều quốc gia thành viên sử dụng Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 đã phán quyết bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Sau 3 năm giữ yên lặng, Philippines năm nay đưa nội dung phán quyết PCA vào công hàm gửi lên Tổng thư ký LHQ để phản đối Trung Quốc. Khi nộp báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa cho LHQ hồi tháng 12.2019, Malaysia cũng tuyên bố tôn trọng phán quyết của PCA. Việt Nam cũng làm điều tương tự trong công hàm mới nhất gửi cho LHQ.
“Đáng chú ý là những quốc gia ASEAN không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, như Indonesia cũng công nhận và đề cập nội dung phán quyết khi phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo Natuna hồi tháng 1”, ông Sơn dẫn chứng và chỉ ra thêm rằng Singapore cũng đã nêu lên phán quyết tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức hồi tháng 2 vừa qua.
“Nếu ASEAN thống nhất có một tiếng nói chung và hành động tập thể thì chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ thất bại”, bà Permal nói.
Về sự can dự của Mỹ tại khu vực, chuyên gia Greg Poling (Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho hay Mỹ lâu nay vẫn tiếp tục các sứ mệnh hoạt động tự do hàng hải (FONOP) nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Còn chuyên gia Permal nhận định thông qua FONOP, Mỹ cung cấp một dạng “cân bằng nào đó” nhằm cho thấy ít nhất vẫn có sự thực thi luật quốc tế tại đây. Các chuyên gia tại buổi tọa đàm cũng đồng ý rằng FONOP không thể là một giải pháp cho tình hình Biển Đông và Mỹ cần phải có các biện pháp kiên quyết hơn. |
Phúc Duy (Thanh Niên)